Điểm tựa của người nghèo

Từ lời dạy của Bác Hồ
Điểm tựa của người nghèo

Bấy lâu nay, phòng khám từ thiện của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 10, quận 3 TPHCM tại hẻm 132 đường Cách Mạng Tháng Tám đã trở thành địa chỉ thân quen của bệnh nhân nghèo.

Bác sĩ phòng khám bệnh từ thiện đang điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ phòng khám bệnh từ thiện đang điều trị cho bệnh nhân.

Từ lời dạy của Bác Hồ

Lương y Nguyễn Văn Chọn, năm nay 81 tuổi là một trong ba CCB sáng lập Phòng khám từ thiện Hội CCB phường 10 kể: “Trở về đời thường, chúng tôi nặng lòng với đời sống cơ cực của bà con. Sẵn có nghề lương y, chúng tôi đề xuất địa phương thành lập phòng khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo. Vấn đề là kinh phí lấy ở đâu để thực hiện và duy trì hoạt động. Chúng tôi thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm” và bắt đầu công việc tại phòng khám với hành trang là tay nghề của mình như xoa bóp, châm cứu, cạo gió, giác hơi…”.

UBND phường 10 đã cho phòng khám mượn căn nhà cấp 4 có diện tích gần 48m2 làm nơi khám bệnh. Giường, gối, mền, bàn làm việc… các chú đều trưng dụng từ gia đình mình; mái tôn được phủ thêm một lớp giấy dầu cũng được các cô, chú gom góp tiền mua.

Ông Chọn kể: “Lúc đó, phụ cấp mỗi tháng 50.000 đồng, không đủ tiền uống nước nhưng vui lắm. Còn nhớ, vào một buổi chiều mưa, bà con khu phố khiêng một anh chạy xích lô bị trúng gió, tím tái cả người vào phòng khám. Qua 15 phút xoa bóp, cạo gió… anh xích lô đó dần hồi tỉnh. Sau ca cấp cứu đó, nhiều người đã biết hoạt động của phòng khám. Người bệnh dần dần đông, chúng tôi làm không xuể nên Bệnh viện Y học Dân tộc cử sinh viên đến để thực tập, hỗ trợ chúng tôi”.

Tiếng lành đồn xa

Tiếng lành đồn xa, Hội Việt kiều TP xin hỗ trợ một số trang thiết bị y khoa hiện đại. Có thiết bị để hoạt động ai nấy đều vui nhưng nhìn lại phòng khám thì ai cũng buồn. Ông Chọn nói: “Do nhà gần phòng khám nên các đêm mưa to, gió lớn, tôi phải ra đây ngủ để chống dột. Trong một lần về họp tại phòng khám, ông Nguyễn Minh Sáu, Phó Chủ tịch Hội CCB quận 3 chứng kiến cảnh chạy dột của anh em chúng tôi. Ông Sáu về làm văn bản đề xuất xây dựng phòng khám gửi lãnh đạo quận 3 và Quận ủy quận 3 đồng ý ngay”.

Cuối năm 2004, phòng khám được xây dựng với quy mô 1 trệt, 1 lầu thoáng mát. Thế là từ nay, các thiết bị mới, như máy vi sóng, máy từ trường, máy kéo cột sống, siêu âm lazer, quang châm… đã có nơi bảo quản an toàn. Các chú mở thêm một phòng vật lý trị liệu, kết hợp điều trị y học dân tộc cổ truyền với y học hiện đại. Nghe tin mở rộng phòng khám, các cô, chú CCB tìm đến tình nguyện phục vụ. Phòng khám huy động được 7 y, bác sĩ.

Đến nay, bệnh nhân của phòng khám không chỉ là dân nghèo, CCB có hoàn cảnh khó khăn tại quận 3 mà vươn ra các quận, huyện khác và tỉnh, thành trong cả nước. Ông Nguyễn Linh, nhà trên đường Trần Văn Đang, tâm sự: “Tôi bị tai biến nhẹ và đến phòng khám này như một sự tình cờ. Sau 2 tháng châm cứu, tôi đã đi lại được”.

Ông Viên Hữu Đức, phó phòng khám từ thiện, cho biết: “Thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đơn vị đến tham quan và đề nghị hỗ trợ. Qua bàn bạc, chúng tôi không đồng ý, vì nếu tài trợ, họ sẽ đặt các logo, nhãn hiệu của họ tại phòng khám. Chúng tôi cũng nghiêm khắc không nhận tiền, quà bồi dưỡng của bệnh nhân. Nhiều người áy náy, “phê bình” chúng tôi không nhận bồi dưỡng thì phải nhận hỗ trợ của bệnh nhân để phòng khám có kinh phí thanh toán tiền điện nước, bảo trì máy móc”.

Nhiều năm nay, phòng khám từ thiện của các CCB đã trở thành điểm tựa của người nghèo.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục