Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2010 (VBF 2010) đã được tổ chức sáng ngày 2-12 tại Hà Nội, trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG 2010). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Simon Andrews đồng chủ trì diễn đàn.
Tại hội nghị, Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết, theo kết quả điều tra, khảo sát tiến hành 227 doanh nghiệp, mức độ lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam đã tăng so với năm 2009 và năm 2008.
Cụ thể, có tới 75% số doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ mức độ quan ngại về các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng gian, hàng giả, thiếu lao động có tay nghề và sự yếu kém của cơ sở hạ tầng.
Cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính là lĩnh vực được coi là có mức độ cải thiện nhất so với năm ngoái. Ngược lại, lĩnh vực đất đai, lao động và thuế được đánh giá chậm cải thiện so với mức độ kỳ vọng của doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc khu vực, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Simon Andrew nhận xét, các doanh nghiệp ngày càng khó khăn trước áp lực thiếu lao động kỹ năng, có tay nghề. Theo thống kê từ chính Bộ LĐTB-XH, hơn 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng chuyên môn.
Chủ tịch Amcham Hank Tomlinson cũng cho rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chơi toàn cầu hóa nếu chỉ dựa trên yếu tố nhân công giá rẻ. Vì thế, Chính phủ bắt buộc phải có những biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2011 do WB và IFC phát hành, Việt Nam tăng được 10 bậc từ vị trí thứ 88 trên bảng xếp hạng của Môi trường kinh doanh 2010 lên thứ 78 trong Môi trường kinh doanh 2011 và chiếm vị trí thứ 11 trong khu vực. Kết quả này cũng tương đồng với ý kiến của các doanh nghiệp được khảo sát nêu trong báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh (năm 2011 được đánh giá chung ở mức 2,88/4 điểm) và năm 2012 - 2013 còn ở mức khả quan hơn (3,07/4 điểm)
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2010, đại diện các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài bày tỏ những đánh giá khác nhau về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh. Một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước tỏ ra lạc quan hơn hẳn các doanh nghiệp nước ngoài trong năm vừa qua là cải cách thủ tục hành chính. Có 74,43% doanh nghiệp trong nước trong khi chỉ có 36,36% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng lĩnh vực này có cải thiện gần đây.
Thay mặt EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, phát biểu: Những kết quả về cải cách hành chính của Việt Nam là ấn tượng, nhưng còn nhiều thách thức lớn ở phía trước”. Theo ông, trong khi Đề án 30 vẫn còn đang được thực hiện thì một số thủ tục hành chính khác lại được đẻ thêm ra.
Đơn cử như Thông tư 24/2010 của Bộ Công thương về cấp phép nhập khẩu tự động, yêu cầu các nhà nhập khẩu khi nhập hàng với số lượng lớn phải đăng ký nhập khẩu tự động từ cơ quan hải quan. Việc xin và cấp giấy phép tự động đều được thực hiện thông qua đường bưu điện bằng thư thường, mất khoảng 10 ngày làm việc, gấp 3 thời gian trung bình hiện nay. Hơn nữa, việc xin cấp phép lại là bắt buộc nếu có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến đơn hàng giống nhau...
Ông Alain Cany cũng cho hay các nhà đầu tư đã phải đợi từ 5 đến 6 tháng để có được một giấy phép đầu tư tại Việt Nam trong khi các nước khác trong khu vực chỉ mất có 5 hoặc 6 tuần.
BẢO VÂN