Diễn đàn Hưởng ứng Năm “an toàn giao thông”- Hệ thống báo hiệu đường bộ phải hữu hiệu

Diễn đàn Hưởng ứng Năm “an toàn giao thông”- Hệ thống báo hiệu đường bộ phải hữu hiệu

LTS: Khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. Tham gia Diễn đàn Hưởng ứng năm “An toàn giao thông”, nhiều ý kiến lưu ý: Để đảm bảo an toàn giao thông, cần chú trọng trang bị hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ.

  • Hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu

Trong hệ thống báo hiệu đường bộ, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thường xử lý những tình huống cụ thể, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường... là một phần của kết cấu giao thông đường bộ và luôn có ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Hệ thống báo hiệu đường bộ giúp người tham gia giao thông trong những tình huống cụ thể có thể nhận ra mình nên ứng xử như thế nào cho đúng quy tắc giao thông, do đó có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Khi lắp đặt hệ thống báo hiệu, cần chú ý khảo sát thấu đáo để lắp đặt đúng, đủ và hợp lý ở các tuyến giao thông. Hệ thống báo hiệu sẽ chỉ phát huy tác dụng tích cực nếu đặt đúng ở nơi cần đặt, đặt đủ những loại báo hiệu cần thiết. Do vậy, cần phải khảo sát khoa học, cẩn thận về các yếu tố (như lưu lượng xe qua lại, tốc độ thường xuyên ở khu vực đó, thói quen lưu thông, tần suất kẹt xe hoặc tai nạn giao thông...), để có phương án lắp đặt hệ thống báo hiệu phù hợp.

Chẳng hạn, nơi có mật độ lưu thông dày thì ở khu vực giao nhau phải lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, kể cả ở ngã ba; nếu cần thiết thì lắp đặt đèn tín hiệu rẽ trái, đèn rẽ phải không nhất thiết cùng pha với đèn đi thẳng; thời gian dừng đèn cũng phải được tính toán hợp lý sao cho hạn chế ùn tắc. Phải tránh lắp đặt theo cảm tính, chủ quan mà không xuất phát từ thực tế giao thông ở khu vực đó.

Hệ thống báo hiệu phải dễ nhìn, dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh đặt quá nhiều tín hiệu ở cùng một chỗ, làm che khuất lẫn nhau hoặc ở nơi bị che khuất tầm nhìn, có một khoảng cách để người tham gia giao thông có thể thực hiện được. Ngoài ra, hiện nay, ở các đô thị lớn có nhiều cầu vượt, nhiều ngã rẽ (qua hầm chui hoặc qua cầu), nếu không có biển báo rõ ràng, dễ hiểu thì người đi đường có thể đi nhầm đường.

Hệ thống báo hiệu không được mâu thuẫn nhau hoặc không đồng bộ với nhau. Vì vậy, cần có quy hoạch lắp đặt biển báo tổng thể, để có thể thống nhất trong từng khu vực đã, đang và sẽ lắp đặt những loại báo hiệu nào nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất. Hệ thống báo hiệu sau một thời gian đưa vào sử dụng sẽ bị hư hỏng, do đó cần được thay thế, sửa chữa. Nhất là với các vạch kẻ đường, cọc tiêu... nếu màu bị mờ, khả năng phản quang (vào ban đêm) giảm cũng có thể dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, có một số loại biển báo sau thời gian sử dụng không còn phù hợp nữa thì cũng cần thay thế. Nên chú ý tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là học sinh, hiểu đúng về ý nghĩa của hệ thống báo hiệu để tạo thành thói quen, nhận thức tích cực khi tham gia giao thông. 

Nguyễn Minh Hải
(234 Võ Thị Sáu, quận 1, TPHCM)

  • Phân làn các tuyến đường lớn

Quốc lộ hẹp, các phương tiện giao thông phải đi lại trên đường không phân làn, có nguy cơ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do đó, ngành giao thông nên chú trọng việc phân làn cho các phương tiện giao thông để giảm tai nạn.

Trên địa bàn TPHCM, quốc lộ 1A đoạn đi qua TPHCM và xa lộ Hà Nội là điểm nóng về tai nạn giao thông. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua quận Thủ Đức là do ô tô tông xe máy. Các phương tiện giao thông chuyên chở hành khách như xe khách, xe buýt dừng đón trả khách không đúng quy định cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Đặc biệt, xa lộ Hà Nội là tuyến đường có lượng phương tiện giao thông qua lại đông đúc, nhất là các phương tiện như xe tải, container, xe bồn, tiềm ẩn những tai nạn khó lường.

Để hạn chế tai nạn giao thông, tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua TPHCM đã được lắp đặt dải phân cách để phân làn cho các phương tiện. Từ đó, số vụ tai nạn giao thông ở đây đã giảm. Các phương tiện chấp hành đúng quy định, đi đúng làn đường dành cho mình, không còn hiện tượng xe lớn lấn làn đường xe nhỏ. Ý thức của người dân nhờ đó được nâng cao - vì đã có làn đường riêng mà lại lấn đường của phương tiện khác sẽ bị phạt nặng.

Từ hiệu quả của việc phân làn cố định trên quốc lộ 1A đoạn đi qua TPHCM, ngành giao thông nên chú ý nhân rộng việc phân làn cố định trên những tuyến đường lớn. Nếu xét đủ điều kiện để phân làn đường thì nên phân làn cố định để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nhờ phân làn cố định mà quốc lộ 1A đoạn đi qua TPHCM giảm được tai nạn giao thông.

Nhờ phân làn cố định mà quốc lộ 1A đoạn đi qua TPHCM giảm được tai nạn giao thông.

Hoài Thiệu
(1/27, QL13, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục