Diễn đàn kinh tế thế giới: Tìm lời giải cho các vấn đề nóng

Do đại dịch Covid-19, cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chuyển sang hình thức trực tuyến năm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các tập đoàn lớn, các nhà tổ chức vẫn hy vọng thúc đẩy thế giới tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của thế giới.
Bão lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở châu Âu năm 2021
Bão lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở châu Âu năm 2021

Tập trung kiểm soát dịch Covid-19

Cuộc họp của WEF (diễn ra từ 17 đến 21-1) với các bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản và Đức. Ngoài ra, sẽ có các cuộc thảo luận của hội đồng điều hành WEF với các lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ và các chuyên gia. Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại WEF được chờ đón vì Ấn Độ là một trong những nước thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có vaccine Covid-19 và nhiều loại dược phẩm.

Sự tham dự của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci và Giám đốc điều hành của nhà sản xuất vaccine Moderna tại các cuộc thảo luận nhóm cũng được coi là quan trọng, bởi dư luận muốn biết bước đi tiếp theo của họ trong việc phòng chống Covid-19 khi biến thể Omicron đang lan rộng toàn cầu. Cũng tại WEF, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dự kiến tiếp tục đưa ra lời kêu gọi về công bằng vaccine trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển vẫn thua xa các nước giàu về khả năng tiếp cận với vaccine. WHO cho biết, đảm bảo công bằng vaccine có thể giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại, có khả năng lây truyền cao như Omicron.

Những rủi ro trước mắt

Trong “Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022” vừa công bố, WEF đánh giá những mối đe dọa lớn nhất ở phạm vi quốc tế về khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các tác động. Trong ngắn hạn (24 tháng tới), báo cáo nhận định thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do Covid-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu. Trong trung hạn (giai đoạn 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội. Theo WEF, việc thất bại trong hành động về khí hậu sẽ có nguy cơ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 16,7%, trong khi những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở ngưỡng 1,5oC.  

Biến đổi khí hậu đi kèm với giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng là chủ đề nóng của WEF. Đặc biệt, WEF sẽ chú ý tới các giải pháp của các nước sản xuất dầu như Saudi Arabia về cách thế giới chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. 

Đúng như tên gọi, WEF sẽ tập trung phần lớn thời gian vào tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu với các cuộc thảo luận về các vấn đề như tương lai bền vững của kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu trong thời điểm chuỗi cung ứng căng thẳng và cách chính phủ hành động cần thiết để tạo ra sự phục hồi bền vững và công bằng sau đại dịch.

Trong bối cảnh đại dịch và lạm phát gia tăng nhanh chóng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ đề cập đến các nỗ lực phục hồi tài chính, luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của Nhà Trắng và sự ủng hộ của bà đối với mức thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu được hơn 130 quốc gia đồng ý

Tin cùng chuyên mục