Lối ra cho khu tái định cư 38ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM
Năm 2002, TPHCM có chủ trương thu hồi đất của người dân để xây dựng khu tái định cư tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Nhưng sau hơn 10 năm, phần lớn dự án vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi hàng trăm hộ dân bị di dời, hàng trăm ngàn diện tích đất bị thu hồi rồi bỏ hoang, nhiều hạng mục đầu tư dở dang đang xuống cấp… Vấn đề này gây lãng phí rất lớn cho xã hội, bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, về “lối ra” cho dự án này trong thời gian tới.
- Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này công tác đền bù giải tỏa cũng như đầu tư khu tái định cư 38ha như thế nào?
>> Phó Chủ tịch NGUYỄN TƯƠNG MINH: Tháng 11-2002 UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi 48ha đất tại phường Tân Thới Nhất và giao Công ty Công trình Giao thông công chính TP (thuộc Sở GTVT TPHCM) đầu tư khu tái định cư. Toàn bộ diện tích 48ha được chia thành 2 khu: Khu 10ha và khu 38ha, đến nay khu 10ha đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các hạng mục hạ tầng cũng cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong khi đó khu 38ha vẫn còn nhiều vướng mắc, giậm chân tại chỗ sau một thời gian dài. Đến tháng 3-2011, dự án được UBND TP chuyển về cho UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Trong khu 38ha có phân 5,9ha quy hoạch 372 nền đất tái định cư, đến nay đã bố trí 371 nền cùng với một số hạng mục hạ tầng được đầu tư xây dựng như cấp thoát nước, điện, đường… Trong số hơn 30ha còn lại theo quy hoạch sẽ có 389 nền nhà tái định cư và một số block chung cư với tổng cộng 3.294 căn hộ tái định cư, cùng nhiều công trình công cộng khác như công viên 4ha, trường học, phòng khám đa khoa… Toàn bộ khu 38ha có 740 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay UBND quận 12 đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và thu hồi mặt bằng của 534 hộ với diện tích khoảng 24ha; số diện tích còn lại của 206 hộ chưa bồi thường hỗ trợ thiệt hại khoảng 13ha. Về đầu tư xây dựng tại khu 38ha, ngoài một số hạng mục hạ tầng tại phân khu 5,9ha được đầu tư như tôi đã trình bày ở trên, phần còn tại diện tích còn lại hầu như chưa triển khai gì vì vướng đền bù giải tỏa cũng như chờ dự án điều chỉnh được duyệt.
- Nguyên nhân vướng mắc công tác đền bù, giải tỏa là gì?
Đó chính là giá đền bù và mức hỗ trợ không còn phù hợp. Đơn giá bồi thường đất thu hồi trong dự án được UBND TP phê duyệt từ năm 2003 theo tinh thần Nghị định 22/1998/NĐ-CP đến nay không còn phù hợp nên người dân không đồng ý. Sau đó dự án được hỗ trợ thêm lãi suất ngân hàng, tính theo lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước (tính từ ngày phê duyệt phương án đến ngày ban hành quyết định bồi thường) và quyết định của UBND TP đối với các dự án bồi thường dở dang theo Nghị định 22. Tính đến thời điểm này đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm đơn giá bồi thường là 180.000 đồng/m² cộng với 254.102 đồng lãi suất; như vậy 1m² đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được bồi thường 433.102 đồng; tương tự đất nông nghiệp trồng cây lâu năm được bồi thường, hỗ trợ 553.408 đồng/m²; đất ở là 4,3 triệu đồng/m²… Trong khi đó hiện nay có một số dự án khác nằm liền kề với dự án 38ha lại được bồi thường hỗ trợ cao hơn nhiều do áp dụng theo quy định mới.
- Như vậy UBND quận 12 sẽ có giải pháp gì để tháo gỡ những bất cập về đơn giá đền bù?
Nếu không tháo gỡ được đơn giá đền bù như hiện nay thì dự án sẽ còn chậm trễ chưa biết đến bao giờ, bởi số hộ chưa di dời cũng như diện tích đất trong dự án chưa được bồi thường còn khá lớn. Thực ra đối với dự án này, UBND quận chỉ kiến nghị UBND TP xem xét quyết định về đơn giá và chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất trong dự án chứ quận không quyết định được. Tháng 6-2012, UBND quận đã có văn bản gửi UBND TP và Hội đồng thẩm định bồi thường TP kiến nghị, đề xuất hỗ trợ thêm đối với đất nông nghiệp và đất ở. Theo đó, đơn giá bồi thường vẫn giữ nguyên như phương án được duyệt nhưng đơn giá hỗ trợ theo lãi suất ngân hàng nhân thêm hệ số 5 lần. Tuy nhiên sau đó TP có văn bản không đồng ý. Nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất kiến nghị với TP. Qua tổng hợp danh sách 206 hộ còn lại, cho thấy 19 trường hợp có đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất, 56 trường hợp đủ điều kiện tái định cư bằng căn hộ chung cư, 6 trường hợp đủ điều kiện hoán đổi đất, 3 trường hợp xây nhà không hợp pháp chỉ được bồi thường giá đất nông nghiệp, 122 trường hợp đất nông nghiệp nhưng không đủ điều kiện hoán đổi, do không có hộ khẩu tại quận 12 hoặc không đủ hạn mức quy định. Do đó, UBND quận đề xuất điều chỉnh một số chính sách. Theo đó, trường hợp các hộ gia đình và cá nhân không nhận tiền bồi thường và có yêu cầu nhận đất thì được nhận bồi thường bằng đất đã hoàn thành cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư 38ha hoặc các khu tái định cư khác trên địa bàn quận. Tỷ lệ hoán đổi là 10% đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và 13% đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Phần diện tích chênh lệch được xử lý theo quy định. Với cách tính này tôi nghĩ người dân đồng tình hơn. Ví dụ ông A. có 100m² đất nông nghiệp, nếu áp đơn giá bồi thường cũ sẽ được 18 triệu đồng cộng với tiền hỗ trợ lãi suất. Nhưng nếu hoán đổi đất ở sẽ được 10m², theo giá thị trường hiện nay tại khu vực này cũng được 150 triệu đồng. Phần diện tích chênh lệch còn lại ông A sẽ được mua theo giá bảo toàn vốn khoảng 3,3 triệu đồng/m²… Tuy nhiên, những nội dung trên cũng chỉ là ý kiến chúng tôi cần thảo luận thêm trước khi kiến nghị lên UBND TP.
- Cảm ơn ông!
ĐỖ TRÀ GIANG (thực hiện)