Điều kiện để áp dụng xét xử trực tuyến

Phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến là các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh. Chỉ áp dụng với các phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày

Chiều 21-9, tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này.

Thừa ủy quyền trình bày tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ nêu rõ, phiên tòa trực tuyến tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến là các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh.

Chỉ áp dụng với các phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra.

Điều kiện để áp dụng xét xử trực tuyến ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, “Đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án.”

Cung cấp thêm thông tin, bà Lê Thị Nga cho biết, pháp luật tố tụng hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) chưa quy định về hình thức xét xử trực tuyến nhưng đã quy định một số trình tự, thủ tục tố tụng được áp dụng phương thức giao dịch điện tử (thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử, nhận đơn khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử…).

Trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, đề xuất của Tòa án Nhân dân tối cao sẽ kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng và nước ta cũng đã cam kết thực hiện xây dựng Tòa án điện tử tại Hội đồng Chánh án Tòa án tối cao các nước Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực UBTP còn 2 loại ý kiến:

Đa số ý kiến tán thành với Tòa án Nhân dân tối cao, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giao Tòa án Nhân dân tối co  chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ban hành văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Giao Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau 3 năm, kể từ ngày văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệc lực thi hành, Tòa án Nhân dân tối cao có trách nhiệm tổng kết thực tiễn thi hành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Có ý kiến khác cho rằng, để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, thì nội dung cho phép Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10-2021).

Tin cùng chuyên mục