
Những thông tin mới nhất vẫn chưa cho thấy điều gì sáng sủa đối với vụ các nhà sản xuất giày da của Ủy ban châu Âu (EC) khởi kiện các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam bán phá giá giày mũ da vào thị trường EC. Mức thuế tạm bị EC áp đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, từ tháng 9 sẽ là 16,8%, là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đang gia công da giày xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, mức thuế này chỉ áp dụng trong một tháng, đến tháng 10-2006 sẽ hết hiệu lực. Do vậy, EC đang đưa ra một số phương án, hoặc áp thuế đối với giày mũ da có xuất xứ từ Việt Nam khoảng 10% hoặc áp hạn ngạch đối với số lượng giày dép nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng tất cả đều gặp phản ứng từ doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng tại nhiều nước.

Quyết định cuối cùng vẫn chưa đưa ra, nhưng các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đang hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực trước vụ kiện này. Nhiều đơn hàng đã phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn gia đình lao động mất việc. Tác động xã hội rất xấu này chắc chắc sẽ khiến EC lưu ý khi ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là làm sao “xốc” lại ngành da giày đủ lực đáp ứng yêu cầu cạnh tranh mới.
Trong những năm qua, ngành da giày trong nước mới chỉ phát triển bề nổi, tức là tăng trưởng mạnh khâu gia công sản xuất giày, tăng nhanh được số lượng chỉ ở công đoạn từ may mũ giày và gò ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Toàn bộ cơ sở hạ tầng để phát triển ngành giày như nguyên liệu da, giả da, thiết kế mẫu mã, đào tạo từ kỹ thuật viên trở lên… đều chưa được đầu tư. Đáng lo nhất, do chủ yếu làm gia công cùng với trang thiết bị lạc hậu, nên phần lớn lao động ngành da giày là lao động giản đơn, chưa được đào tạo căn bản, trình độ văn hóa thấp. Nhiều khu vực phát triển ngành da giày thường là khu đô thị, đã thu hút lao động từ các địa phương làm nông nghiệp đến nên cuộc sống của họ tạm bợ, nhiều quyền lợi chưa được chăm chút.
Trước diễn biến hiện nay, việc chuyển hướng sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản… là cần thiết để tránh rủi ro khi chỉ tập trung phần lớn vào thị trường EU. Vấn đề chính lại nằm ở chỗ, việc chuyển sang các thị trường này không dễ dàng, khi đây là các thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn xã hội rất cao, đặc biệt là tiêu chuẩn SA 8000 (về điều kiện chăm sóc người lao động). Con số mà Hiệp hội Da giày Việt Nam đưa ra rất đáng lo ngại. Mới có khoảng 20/400 doanh nghiệp da giày có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn SA 8000.
Như vậy, khi chuyển hướng vào thị trường Hoa Kỳ chẳng hạn, một thị trường dễ tính về mẫu mã và có sức mua rất lớn, sẽ có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu và bị rớt lại trong cuộc chơi, có nghĩa sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này cũng phù hợp với thông tin một số doanh nghiệp lớn hiện có đơn hàng từ Hoa Kỳ, nhưng không thể tìm kiếm được các vệ tinh cùng tham gia vào hệ thống sản xuất, do các doanh nghiệp đối tác chưa đủ điều kiện về SA 8000, tức là các điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ với người lao động chưa đáp ứng yêu cầu.
Để có điều kiện giữ vững thị phần tại châu Aâu và cả khi chuyển hướng thị trường khác, rõ ràng các doanh nghiệp cần phải đầu tư cải thiện thiết bị sản xuất cũng như môi trường làm việc. Đây là việc làm cần thiết, vì không chỉ để đáp ứng các điều kiện đưa hàng vào những thị trường lớn mà quá trình này còn giúp doanh nghiệp chuẩn hóa công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh khi hội nhập WTO.
VĂN MINH HOA