Chủ đầu tư phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; đồng thời, yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo môi trường trước khi cho phép tiếp tục thi công.
Giám sát về tuân thủ quy định môi trường
Theo quy định hiện hành, trong quá trình thi công xây dựng, các đơn vị thi công phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Mặc dù các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm; tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các công trình xây dựng vẫn xảy ra, đặc biệt là ở những thành phố lớn - nơi đang có hàng ngàn công trình đang xây dựng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh khu vực và gây ô nhiễm môi trường.
Theo cơ quan chức năng, các công trình vi phạm phổ biến là không có bạt che chống bụi; tập kết phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; các phương tiện vận chuyển bùn đất phế thải, vật tư, vật liệu xây dựng làm rơi vãi; bùn đất, cát từ trong công trình ra đường gây bụi bẩn; một số trường hợp đổ bê tông thừa ra hè phố, đường giao thông... không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật mà còn gây mất mỹ quan đô thị của TP.
Quy định về các công trình thi công phải đảm bảo môi trường đã có; tuy nhiên, hiện các chủ đầu tư xây dựng công trình vẫn chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu đề ra. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các công trình xây dựng, tại dự thảo thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư, như việc yêu cầu chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư công trình. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, trước khi triển khai thi công, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Chủ đầu tư phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thi công công trình.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình của các nhà thầu. Đáng lưu ý, chủ đầu tư phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường trước khi cho phép tiếp tục thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh…
Theo dự thảo, nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình đối với phần việc mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng đối với các công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định đối với phần việc do mình thực hiện. Nhà thầu tổ chức bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường hoặc kết hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận. Đồng thời, xây dựng nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường. Trong đó, dự thảo cũng nêu rõ, nhà thầu phải dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công trở lại.