Con người sinh ra, lớn lên và già đi, đó là quy luật của tạo hóa. Về mặt sinh học, già là một hiện tượng tự nhiên liên quan chặt chẽ đến quá trình biệt hóa và trưởng thành. Sự tăng trưởng và thoái hóa luôn tồn tại song song trong mỗi cá thể. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của mỗi người khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố nội tại và ngoại lai. Trong đó, hiện tượng lão hóa là một quá trình diễn ra liên tục, trải dài trong suốt cuộc đời con người. Mỗi bộ phận trong cơ thể già đi một cách khác nhau, với cường độ cũng khác nhau, và tập hợp lại tạo nên cơ thể của một người già.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự lão hóa nhanh chóng, di truyền, thoái hóa chức năng, bệnh tật, tập quán sinh hoạt, môi trường sống, điều kiện làm việc… Trong đó, có một nguyên nhân con người có thể tác động, can thiệp được. Đó là dinh dưỡng, lối sống và cách sống từ khi còn trẻ. Các nhà khoa học đã kết luận rằng tuổi thọ và sức khỏe khi về già là kết quả của lối sống khi còn trẻ.
Dinh dưỡng, lối sống quyết định tuổi thọ
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trong bào thai hay sớm hơn là từ khi người mẹ có ý định mang thai, chứ không phải đợi đến khi đã già. Một con người sinh ra khỏe mạnh, được chăm sóc hợp lý, trong tương lai sẽ là một người cao tuổi khỏe mạnh. Vì vậy, cần chú ý dinh dưỡng trong cả cuộc đời. Ăn uống hợp lý phù hợp từng độ tuổi, đảm bảo đủ dưỡng chất, đa dạng thực phẩm. Ăn đủ bữa trong ngày, không bỏ bữa sáng, không ăn quá no trong một bữa, không ăn quá nhiều chất đường, chất béo, các thức ăn có nguy cơ sản sinh các chất nguy hại như thức ăn chiên nướng quá cháy, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, cần tăng cường rau xanh, quả chín trong khẩu phần hàng ngày...
Để kéo dài tuổi thọ
Về tinh thần: Luôn giữ tâm hồn thanh thản, sống trong niềm vui để kích thích tăng cường sức sống của cơ thể, giúp duy trì thăng bằng hệ thần kinh và là vũ khí chống những căng thẳng, stress trong cuộc sống hàng ngày.
Ăn uống hợp lý: Tuổi già thường bị mất cảm giác về mùi vị, ăn không biết ngon, răng yếu khó nhai, khả năng tiêu hóa hấp thụ đều giảm sút. Mặt khác, tuổi già thường mắc một hay nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, loãng xương… Do đó, cần chú ý để có một chế độ ăn phù hợp.
Người cao tuổi vẫn cần đủ chất đạm, sinh tố, khoáng chất như calci, sắt như ở người trưởng thành. Như vậy, thức ăn cho người cao tuổi số lượng ít nhưng phải giàu dinh dưỡng mới cung cấp đủ chất. Bữa ăn nên có cá, ít nhất 3 lần mỗi tuần, đậu hũ, đậu phộng, mè, nhiều rau xanh, trái cây cung cấp các chất chống oxy hóa, tăng lượng khoai củ như khoai lang, khoai môn, tăng cường chất xơ. Hạn chế trứng, thịt, chỉ nên ăn 2-3 lần mỗi tuần và tránh ăn thịt mỡ. Cách nấu nướng nên luộc, hấp hơn là chiên, quay. Hạn chế ăn mặn, không nên uống rượu, bia.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự lão hóa nhanh chóng, di truyền, thoái hóa chức năng, bệnh tật, tập quán sinh hoạt, môi trường sống, điều kiện làm việc… trong đó, có một nguyên nhân con người có thể tác động, can thiệp được. Đó là dinh dưỡng, lối sống và cách sống từ khi còn trẻ. |
Với người cao tuổi có khó khăn về nhai nuốt và tiêu hóa thức ăn thì cần chế biến thức ăn thật mềm, mùi vị hấp dẫn, dễ tiêu hóa hoặc sử dụng các thực phẩm dinh dưỡng chế biến sẵn dạng lỏng, giàu năng lượng, dễ tiêu hóa.
Năng vận động: Ngoài các yếu tố ăn uống, còn một cách chống oxy hóa cơ thể rất hiệu quả là vận động. Không vận động kéo dài sẽ làm cơ thể bị suy yếu và phá hủy. Việc vận động thường xuyên, hợp lý giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, tinh thần phấn chấn, yêu đời, trí óc sáng suốt và lao động có năng suất.
Phương pháp tập luyện thích hợp nhất với người cao tuổi là đi bộ và thở sâu. Tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ dưỡng sinh, thăm nom bạn bè, bà con, tham quan danh lam thắng cảnh… là cách sống năng động, bồi bổ cả tinh thần và thể chất.
Như vậy, tuổi thọ không chỉ do di truyền mà một phần do chính mỗi người quyết định, bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý trong cả cuộc đời.