Trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong xu thế đó, việc thực hiện tăng trưởng xanh không còn là xu hướng, mà trở thành một lựa chọn tất yếu. Với quan điểm phát triển bền vững đã được thể hiện xuyên suốt tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn đang tích cực triển khai mô hình tăng trưởng gắn với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế xanh.
Tư duy “xanh”…
Tác động của BĐKH ngày càng rõ rệt thúc đẩy sự tìm kiếm về phát triển bền vững của các quốc gia bởi sự gia tăng các nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh tài nguyên, môi trường và trên hết là an ninh con người. Hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh với tiêu dùng xanh là cách ứng phó mới của các quốc gia trong bối cảnh BĐKH. Hiện Việt Nam đang đi theo mô hình nền kinh tế xanh với các định hướng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 1393/2012. Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
Công ty Điện Quang luôn định hướng phát triển xanh, đưa ra các sản phẩm theo các tiêu chí an toàn - tiết kiệm - thân thiện môi trường.
Để đạt được mục tiêu chung trên, các bộ ngành và cơ quan nhà nước cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao. Tại hội thảo nói về vai trò của DN trong việc xây dựng nền kinh tế xanh gần đây, PGS-TS Nguyễn Danh Sơn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để xây dựng được nền kinh tế xanh thì cần phải có một tư duy “xanh”. Việc này xuất phát từ tâm của những nhà lãnh đạo, những người đóng vai trò tối quan trọng trong quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh của DN. “Việc cân đối giữa lợi nhuận kinh doanh và đầu tư cho hệ thống xử lý những tồn dư tác động đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường là hết sức quan trọng. Không những thế, sản phẩm đầu ra của DN còn luôn cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố khắt khe nhất về tiêu chuẩn, chất lượng”- PGS-TS Nguyễn Danh Sơn nhấn mạnh.
Để sản xuất “xanh”
Sản xuất và tiêu thụ được coi là bền vững là khi giảm thiểu lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, tránh gây nguy hại đến môi trường, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Để đạt được yêu cầu sản xuất xanh, DN cần phải áp dụng giải pháp kỹ thuật mới, chú trọng đến quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh, thiết kế sản phẩm bền vững, đánh giá vòng đời sản phẩm… Việc áp dụng sản xuất xanh không những giúp DN cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng mà quan trọng hơn, DN cũng thu được những lợi ích trực tiếp nhờ tiết giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, theo một vị quản lý Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cái khó nhất để xanh hóa một DN chính là sự dè dặt của lãnh đạo DN. Bởi lẽ, để sản xuất xanh thì DN phải bỏ kinh phí để cải tạo hoặc đầu tư mới hệ thống trang thiết bị sản xuất. “Dĩ nhiên, khoản kinh phí này sẽ được lấy lại do tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất nhưng phải mất một thời gian dài. Chính vì thế, không mấy DN chấp nhận bỏ ra khoản đầu tư này” - vị này cho hay.
Trên thế giới, nhãn sinh thái là được coi là công cụ hữu hiệu để khích lệ các nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng tới quy trình sản xuất và tiêu thụ bền vững. Trong xu hướng đó, tháng 3-2009, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã triển khai Nhãn xanh Việt Nam trên toàn quốc như một loại nhãn sinh thái để nhà sản xuất qua đó khẳng định trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường, nâng cao thị phần và lợi nhuận cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm được dán này, người tiêu dùng sẽ tìm thấy sự an toàn khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thế nhưng, theo công bố trên trang web của Tổng cục Môi trường, đến cuối năm 2014, chỉ có 53 sản phẩm đạt tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam. Điều này cho thấy, không nhiều DN đeo đuổi danh hiệu Nhãn xanh Việt Nam, dù trên thực tế, đó là giấy thông hành vô cùng quan trọng của DN trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Theo một vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân là vì để đạt các tiêu chí khắt khe của Nhãn xanh Việt Nam, DN phải thường xuyên thực hiện các biện pháp để tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đạt yêu cầu về chất lượng, tiết kiệm điện và hạn chế sử dụng các thành phần độc hại trong quá trình sản xuất; có trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng… nên các DN cũng không “mặn mà” nếu các vị lãnh đạo không có một tư duy “xanh” để hướng đến sản xuất xanh, xây dựng một nền kinh tế xanh.
Là DN có nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chí của giấy chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, vẫn kiên trì với định hướng phát triển xanh của mình từ những năm 2000 theo các tiêu chí an toàn - tiết kiệm - thân thiện môi trường. Cụ thể, cho đến nay, Điện Quang hoàn toàn sử dụng thủy tinh không chì trong sản phẩm, đồng thời loại trừ dần chì ra khỏi các công đoạn sản xuất có dùng chì, hay thay thế thủy ngân dạng lỏng sang thủy ngân dạng hạt nhằm hạn chế khuếch tán chất này vào môi trường.
Bên cạnh đó, Điện Quang cũng sử dụng bao bì tái chế và hướng dẫn rõ ràng cách thức loại bỏ sản phẩm vỡ để không gây độc hại cho người tiêu dùng. Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, định hướng này xuất phát từ việc công ty đã sớm nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nên đã đưa vào chiến lược sản phẩm để định hướng công tác nghiên cứu phát triển và đầu tư.
“Theo đuổi định hướng đó, Điện Quang luôn chú trọng đến chiến lược thu phục khách hàng dài hơi, bền vững, chứ không quá chú trọng chinh phục khách hàng theo kiểu tức thời. Bởi trên thực tế việc đạt tiêu chí này không phải là nguyên nhân chính làm tăng doanh số bán hàng” - ông Hưng chia sẻ.
MINH HUY