Định hướng học nghề vẫn nan giải

Hành trình phân luồng, định hướng cho thí sinh có học lực trung bình hoặc khá chọn học một nghề vững chắc thay vì đổ xô vào đại học lại tiếp tục gặp không ít gập ghềnh, gian nan. Nếu cứ dễ dãi mở rộng cánh cửa đại học và để trào lưu “học đại” nở rộ thì đến bao giờ mới trám được lỗ hổng thiếu hụt đội ngũ lao động kỹ thuật, có kỹ năng, tay nghề cao?
Định hướng học nghề vẫn nan giải

Hành trình phân luồng, định hướng cho thí sinh có học lực trung bình hoặc khá chọn học một nghề vững chắc thay vì đổ xô vào đại học lại tiếp tục gặp không ít gập ghềnh, gian nan. Nếu cứ dễ dãi mở rộng cánh cửa đại học và để trào lưu “học đại” nở rộ thì đến bao giờ mới trám được lỗ hổng thiếu hụt đội ngũ lao động kỹ thuật, có kỹ năng, tay nghề cao?

Định hướng học nghề vẫn nan giải ảnh 1

Sinh viên học nghề cơ khí với chuyên gia của Nhật Bản tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM

Rối bời với chọn trường, ngành học

Ngày 1-4, các trường THPT bắt đầu tư vấn, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Do thời gian kéo dài hết tháng 4-2016 nên các trường đều thận trọng, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc ghi hồ sơ, chọn môn thi tự chọn, tổ hợp môn thi, chọn trường, chọn ngành học một cách kỹ lưỡng. Đối với các trường THPT thuộc tốp trên và giữa, chất lượng đào tạo tốt thì học sinh lớp 12 xác định rõ đam mê, sở trường từ sớm và việc chọn trường, chọn ngành học thuận lợi, ít xáo trộn. Ngược lại, ở những trường có đầu vào tuyển sinh THPT thấp, phần đông học sinh có lực học trung bình hoặc khá thì tỷ lệ dao động, đắn đo về chọn trường, ngành học nhiều hơn.

Chị H.Nam, phụ huynh của học sinh Trường THPT Tây Thạnh (quận Gò Vấp, TPHCM) bày tỏ: “Con trai tôi học các môn khoa học xã hội đạt loại khá (điểm bình quân ba môn Văn, Sử, Địa đạt gần 7). Cháu xác định thi khối C và chọn đăng ký môn thi tự chọn, tổ hợp môn xét tuyển theo ngành xã hội. Dù được nhà trường tư vấn và con tôi cũng tìm hiểu thông tin về ngành nghề đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nhưng… đến giờ này cả nhà đều rối bời. Riêng con tôi chưa biết chọn ngành nghề nào và đăng ký vào ĐH hay chấp nhận học trung cấp, CĐ để tốt nghiệp ra trường dễ kiếm việc làm”. Không chỉ mơ hồ về ngành nghề, thiếu tự tin về năng lực học hành nên nhiều thí sinh đến gần thời hạn chót đăng ký hồ sơ dự thi THPT quốc gia vẫn không biết chọn trường nào, ngành học gì. “Tâm lý khoa bảng, bằng cấp vẫn ăn sâu trong tâm thức của nhiều phụ huynh, học sinh nên việc tư vấn cho các em theo trường nghề, dấn thân học nghề là trở ngại lớn, nếu không muốn nói là khó lay chuyển”, một số hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn TPHCM đã bộc bạch như thế.

Là một trong những trường có đầu vào tuyển sinh lớp 10 thấp, thầy Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8), chia sẻ: “Vẫn biết ước mơ vào đại học của học sinh lớp 12 là chính đáng nhưng nhà trường luôn tư vấn, vận động và hướng các em chọn trường, chọn ngành học lẫn nghề nghiệp theo đúng với sức học, năng lực của từng em. Khi thấy học sinh “trèo cao, với xa” - học lực chỉ dừng ở mức khá (điểm bình quân các môn khoa học tự nhiên khoảng 7) mà đăng ký vào những trường ĐH tốp trên như Y Dược, Bách khoa, Kinh tế…, chúng tôi phải thuyết phục, tư vấn để chọn ngành học, nghề nghiệp cho phù hợp hơn. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng”. Và để học sinh có thêm lựa chọn, hiểu thêm về câu thành ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Trường THPT Ngô Gia Tự và nhiều trường THPT khác đã mở rộng cửa đón những trường trung cấp, cao đẳng nghề đến tư vấn, giới thiệu về ngành nghề đào tạo, kèm cơ hội việc làm, thu nhập cao nếu chọn con đường ngắn - học nghề. Nhờ cầu nối này, nhiều học sinh đã có cái nhìn gần hơn, thiết thực hơn về nghề nghiệp tương lai.

“Học đại” và hệ lụy?

Tuy nhiên, tư duy đổi mới hướng nghiệp, định hướng cho học sinh THPT có lực học trung bình khá chỉ nên học nghề chưa lan tỏa rộng. Trên thực tế, còn nhiều trường THPT chạy theo thành tích, chỉ muốn học sinh của mình bằng mọi giá phải đậu đại học với tỷ lệ càng cao càng tốt để đánh bóng thương hiệu. Hơn nữa, vì sĩ diện, vì khoa trương bằng cấp, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn chọn hướng “học đại” thay vì chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê, sở trường và năng lực bản thân. Nhiều chuyên gia giáo dục, nghề nghiệp ở Việt Nam đã cảnh báo rằng đại học mở ra quá nhiều, không đảm bảo chất lượng và xu hướng “học đại” này sẽ khiến danh sách lao động có trình độ cao (tốt nghiệp đại học, sau đại học) thất nghiệp ngày một dài thêm. Hệ lụy mà xã hội phải gánh sẽ nghiêm trọng hơn. Như thế chúng ta phải làm gì để chấn chỉnh xu hướng “học đại” và quay lưng với trường nghề như hiện nay?

Mặc dù năm 2015 và năm nay, tỷ lệ học sinh lớp 12 đăng ký tham gia kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp đã gia tăng so với trước đây nhưng tín hiệu lạc quan vì số này sẽ rẽ vào các trường nghề vẫn chưa rõ. Riêng TPHCM, có bao nhiêu thí sinh trượt ĐH, CĐ quay về học nghề cũng khó thống kê. Đó là nỗi lo, trăn trở của các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp về mục tiêu phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào các trường nghề. Ông Lưu Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình tư vấn hướng nghiệp hiệu quả và kết nối giữa các chi hội nghề nghiệp, trường nghề của TP với các trường học. Từ đó giúp học sinh hiểu rõ con đường học nghề là ngắn nhất và bằng cấp học nghề có giá trị sử dụng cao, thu nhập ổn định.

 Ông Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TPHCM, khẳng định, tất cả sinh viên học các ngành kỹ thuật như cơ khí, điện tử, điện công nghiệp… ra trường đều có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định. Ngoài ra, để giúp giới trẻ tiếp cận trình độ đào tạo nghề tiên tiến của các nước trên thế giới, Trường CĐ Nghề TP cũng liên kết đào tạo nghề với Nhật Bản, Úc… Với hành trang tay nghề, kỹ năng cao, cộng thêm trình độ ngoại ngữ tiếng Anh, sinh viên có cơ hội làm việc không chỉ trong nước mà có thể làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao.

 KHÁNH BÌNH    

Tin cùng chuyên mục