Nguồn năng lượng thương mại truyền thống gồm than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên (than - dầu - khí) được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới nói chung và nước ta nói riêng, đang dần cạn kiệt. Điều đáng nói là chúng phát thải rất nhiều thán khí (CO2), tạo ra hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, gây nên những hiện tượng thời tiết bất thường.
Nguồn năng lượng thay thế hiệu quả và tin cậy hiện nay là năng lượng tái tạo (NLTT), gồm một loạt các dạng năng lượng phổ biến là năng lượng mặt trời (NLMT); điện gió, thủy điện, năng lượng chất thải sinh học (NLCTSH) bao gồm cả rác thải; thủy triều, sóng biển, dòng biển… Phát triển NLTT thay thế dần than - dầu - khí đang là quốc sách của các nước trên toàn thế giới, trong đó có nước ta. Chúng ta đã có kế hoạch dài hạn chú trọng phát triển NLTT, đặc biệt là điện gió, NLMT, như là bước thí điểm về công nghệ ứng dụng NLTT. Hàng loạt dự án điện gió đã được đăng ký phát triển, triển khai, đưa vào phát điện, như điện gió ngoài khơi Bạc Liêu, điện gió REVN Tuy Phong, điện gió đảo Phú Quý…
Ở nước ta hiện nay, giá điện là một vấn đề nhạy cảm. Giá bán bình quân năm 2014 là khoảng 1.500 đồng một số điện (1kWh), hay 6,9 cent/kWh. Giá này trừ đi 86 đồng cho phí truyền tải, 262 đồng cho phí phân phối, 3% cho tự dùng nhà máy phát điện, giá bán điện sản xuất (điện phát) chỉ còn 1.117 đồng/kWh hay 5,12 cent/kWh. Như vậy ở thời điểm hiện nay (2015), giá bán điện sản xuất bình quân khoảng 5,2 cent/kWh. Giá đó tương đương giá trên thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay. Đó phải được coi là giá tham chiếu cho năm 2015 khi lập quy hoạch phát triển nguồn NLTT phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.
Trong các loại năng lượng tái tạo ở nước ta, thủy điện nhỏ và vừa cần được ưu tiên phát triển Ảnh: Cao Thăng
Giai đoạn 2011-2015, giá điện tăng bình quân 7,45%/năm. Coi các giai đoạn 5 năm tiếp theo (2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035) mức tăng bình quân tương ứng là 7%, 6%, 5% và 4%, giá bán điện phát năm 2020 là 7,29 cent/kWh, năm 2025 là 9,76 cent/kWh, 2030 là 12,46 cent/kWh và năm 2035 là 15,16 cent/kWh. Năm 2015, giá điện gió nhà nước ban hành là 7,8 cent/kWh, cao gấp 1,5 lần giá bán điện tham chiếu trên thị trường phát điện cạnh tranh (5,2 cent/kWh). Nếu cán cân điện gió chiếm 20% thị phần phát điện, sẽ làm tăng giá điện lên thêm 10%. Mức tăng này đủ nhạy cảm để phải đưa ra bàn ở cấp Chính phủ. Đó là lý do không thể lấy việc tăng giá điện ưu tiên riêng cho NLTT, ở đây là điện gió, vì nó bị chặn ngay ở đầu ra, giá bán điện bình quân cho các hộ dùng điện.
Xét trên điều kiện kinh tế nước ta, giá bán điện bình quân hiện chỉ là 6,9 cent/kWh, so với các nước phát triển giá điện cỡ 20-25 cent/kWh, chúng ta cần có định hướng phát triển nguồn NLTT phù hợp, chứ không phải thấy Đức hay các nước như Đan Mạch, Hà Lan… phát triển điện gió đại trà, ta hô hào tăng giá điện gió lên 9,8 cent/kWh hoặc 10,4 cent/kWh để kích thích phát triển điện gió cho bằng anh, bằng em là điều không thực tế, không khả thi, vì việc này làm tăng giá bán điện lên rất cao, điều nhạy cảm luôn gây ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế và đời sống người dân.
Ta biết điện gió, cũng như NLMT là loại nguồn điện phân tán, tức mật độ năng lượng phân bố rất tản mạn theo không gian và thời gian, người dùng không chủ động được. Đó là các nguồn điện chất lượng kém. Như đảo Phú Quý, có nguồn điện gió 6 MW vẫn phải thường xuyên chạy nguồn diezen 5 MW (giá điện cỡ 5.000 - 6.000 đồng/kWh) do nguồn gió không đảm bảo. Hàng chất lượng kém mà bán giá gấp hai, gấp ba lần hàng chất lượng cao, như thủy điện chẳng hạn, là điều bất hợp lý, phi quy luật thị trường, rất không khả thi xét trên bản chất nền kinh tế.
Rõ ràng để phát triển nguồn NLTT thay thế dần năng lượng truyền thống, đảm bảo tính khả thi ở điều kiện nước ta, giá điện còn thấp và rất nhạy cảm đối với nền kinh tế và mức sống người dân, cần có định hướng phù hợp. Phát triển điện gió và NLMT là hướng lâu dài. Trước mắt, chỉ coi là các nguồn này phát triển kết hợp, ở nơi điện lưới quốc gia chưa đến được, đặc biệt là các hải đảo. Riêng với NLMT, bình nước nóng NLMT có tính khả thi cao, cần được khuyến khích sử dụng. Phát triển điện gió nên đưa ra ngoài khơi, như điện gió Bạc Liêu, là phù hợp, vì với các dự án điện gió trên bờ biển, việc chiếm dụng đất làm cánh đồng gió là một lãng phí lớn vì đất cạnh bờ biển đặc biệt quý cho phát triển kinh tế biển và du lịch.
Trong các loại NLTT ở nước ta, có hai nguồn cần được ưu tiên phát triển, đó là thủy điện nhỏ và vừa (TĐNV) và chất thải sinh khối. Theo qui hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa, trữ năng kỹ thuật đạt công suất cỡ 21776 MW, bằng 60% công suất lớn nhất toàn hệ thống điện quốc gia hiện nay (2015), sản lượng 75,7 TWh (tỷ kWh). Tỷ lệ khai thác đến hết 2014 đạt khoảng 39% công suất, 40% sản lượng. Giá bán điện TĐNV hiện tại theo chi phí tránh được, do Cục điều tiết điện lực ban hành hàng năm, bình quân cỡ 900-1.000đồng/kWh, hay 4,13 - 4,59 cent/kWh, bằng khoảng 79,4% - 88,2% giá bán điện phát tham chiếu năm 2015. Đó là giá điện rất khả thi. Thủy điện là nguồn điện chất lượng cao (nguồn tập trung, dễ huy động, dễ điều chỉnh), giá lại rất cạnh tranh.
Việc phát triển TĐNV vừa qua có một số hạn chế trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư ít quan tâm đến việc đảm bảo phát triển phù hợp và bảo vệ tính bền vững của môi trường, gây ra những phản cảm trong dư luận cộng đồng và truyền thông. Những hạn chế này có thể khắc phục được qua biện pháp quản lý đầu tư - xây dựng và các quy định về khai thác vận hành. Do đó, ưu tiên phát triển TĐNV luôn là giải pháp nhất quán trong chính sách năng lượng quốc gia của nước ta, cũng như của các nước khác trên thế giới. Khi tỷ trọng TĐNV tham gia vào hệ thống càng lớn, hiệu quả kinh tế và kỹ thuật càng cao.
Nước ta có nguồn chất thải sinh khối rất phong phú, bao gồm rác thải, các chất thải từ nông nghiệp (trấu, rơm rạ, thân cây ngô, lạc, đậu, vỏ bắp, vỏ quả…), từ lâm nghiệp, từ cây xanh công viên, từ phân gia súc, gia cầm… Các tính toán sơ bộ cho thấy trữ lượng nguồn chất thải sinh khối cỡ 15-20 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), nếu đem phát điện, sẽ đạt cỡ 60 - 80 TWh, bằng 60% - 65% tổng sản lượng điện năm 2014 . Hiện công nghệ khai thác năng lượng chất thải sinh học đã có rất nhiều tiến bộ. Công nghệ chuyển trấu thành chất đốt thay thế than củi đang thịnh hành ở các vùng lúa. Nhà máy điện đốt trấu có giá bán khả thi cỡ 5,2 cent/kWh, phù hợp với giá bán điện phát tham chiếu hiện tại. Công nghệ plasma chuyển chất thải sinh khối thành nhiên liệu (khí, dầu, than…) với lượng phát thải CO2 thấp, công nghệ nhà máy điện khí bãi rác (LFG) có giá thành rẻ hơn so với điện gió. Riêng nhà máy điện đốt rác giá thành so sánh được với điện gió. Các dạng nguồn điện này là loại hàng hóa chất lượng cao, lại giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường do các chất thải sinh khối gây ra, nên hiệu quả kinh tế là cao, rất khả thi.
Để phát triển năng lượng chất thải sinh khối, cần có các cơ chế phù hợp từ nhà nước, đặc biệt là ưu tiên quỹ đất, có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế giá về thu gom chất thải phù hợp, tin cậy.
Xét điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, giá năng lượng là thấp so với mặt bằng chung thế giới, nguồn NLTT khá phong phú, công nghệ khai thác đã có nhiều tiến bộ, cần ưu tiên phát triển thủy điện nhỏ và vừa, có chính sách phù hợp kích thích phát triển tận dụng nguồn chất thải sinh học vừa cho nguồn năng lượng giá phù hợp với nền kinh tế, vừa giải quyết vấn nạn ô nhiễm mội trường. Bên cạnh đó, phát triển NLMT và điện gió ở mức phù hợp, chuẩn bị cho chương trình phát triển tương lai dài hạn, khi các nguồn khả thi là TĐNV và chất thải sinh học đã được khai thác tối đa khả năng có thể. Đó là định hướng phù hợp để nước ta nhanh chóng tăng tỷ trọng nguồn NLTT trong cân bằng năng lượng quốc gia.
HOÀNG HỮU THẬN
Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện