Định hướng phát triển trường tư

Đến thăm Trường Tiểu học dân lập Lương Thế Vinh (phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) vào một ngày giữa tháng 3, chúng tôi thấy trường có rất nhiều phòng học bỏ trống, dù được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng chưa có người học.
Định hướng phát triển trường tư

Đến thăm Trường Tiểu học dân lập Lương Thế Vinh (phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) vào một ngày giữa tháng 3, chúng tôi thấy trường có rất nhiều phòng học bỏ trống, dù được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng chưa có người học.

Định hướng phát triển trường tư ảnh 1

Giờ học mỹ thuật tại một trường ngoài công lập

 Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cho biết với năng lực hiện tại, trường có thể tiếp nhận thêm 200 học sinh, hai dãy phòng học ở lầu 4 và lầu 5 vẫn chưa sử dụng. Trước tình trạng các trường công lập khó đảm bảo tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh, trường đã mở thêm các lớp bán trú cho học sinh ở trường công lập. Theo đó, sau khi kết thúc giờ học buổi 1 ở trường công, các em sẽ được giáo viên tập trung lại để di chuyển qua Trường Tiểu học dân lập Lương Thế Vinh ăn, ngủ bán trú và học tiếp buổi 2, học phí khoảng 1,4 triệu đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, dù đã tìm đủ mọi cách phổ biến thông tin như phát tờ rơi, tư vấn tại chỗ cho phụ huynh nhưng đến nay chỉ mới có 35 học sinh theo học. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học tư thục đang phát triển mô hình bán trú buổi 2 cho học sinh.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao trường công không đáp ứng nổi chỗ học bán trú trong khi trường tư sau khi mở lớp lại “khát” học sinh đến vậy, lãnh đạo một quận cho biết cái khó không phải ở mức học phí mà do khâu tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh. Ngay cả bản thân vị lãnh đạo này cũng thừa nhận dù có hai con trong độ tuổi tiểu học, lại đảm trách vai trò quản lý dân cư tại địa phương, nhưng trước nay ông chưa từng biết có sự tồn tại của mô hình bán trú này.

Thêm vào đó, theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, hệ thống trường tư thục hiện nay chưa có sức hút đối với người dân bởi ngoài một số nguyên nhân về giá cả, dịch vụ, nhìn chung đại bộ phận người dân vẫn chưa có sự tin tưởng đối với chất lượng giáo dục ở trường tư. Cách đây vài năm, ở Gò Vấp từng có một đơn vị tư nhân xin cấp phép hoạt động ở lĩnh vực giáo dục tiểu học nhưng do không tuyển được học sinh nên đã giải tán. Trong khi đó, trường lớp công lập năm nào cũng xây không kịp đáp ứng chỗ học cho người dân, nhu cầu phụ huynh muốn gửi con học bán trú ngày càng cao nhưng trường tư vẫn bị ngoảnh mặt. Có hiệu trưởng đơn vị nọ từng kể mình phải năm lần bảy lượt gõ cửa trường công xin phép được phát tờ rơi, đặt bàn tư vấn cho phụ huynh. Dù không bị từ chối nhưng sự phối hợp giữa hai bên rất lỏng lẻo, cộng thêm sự thiếu hướng dẫn, chỉ đạo từ các cơ quan lãnh đạo nên trường tư dù chật vật xoay xở, tìm đủ mọi cách vẫn không có đủ học sinh.

Báo chí từng nhiều lần phản ánh về hoạt động bất ổn, cầm chừng của hệ thống trường tư. Nhưng nói như chia sẻ của ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, để giải quyết tạm thời bài toán thiếu chỗ học cho người dân, nếu như ở bậc mầm non chúng ta đã thừa nhận sự tồn tại và khuyến khích loại hình trường tư phát triển thì vì sao ở bậc tiểu học, loại hình trường bán trú vệ tinh lại chưa được quan tâm đúng mức? Mặt khác, khi nhu cầu đã có mà quản lý không theo kịp thực tế sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Do đó, thay vì bỏ ngỏ công tác tư vấn, định hướng chỉ đạo trường tư, các đơn vị kiến nghị UBND TPHCM nên dành nhiều quan tâm hơn nữa đối với loại hình này, để vừa tạo thêm chỗ học vừa giúp hoạt động đi vào chiều sâu, có hiệu quả.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục