
Mark Thatcher - con cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher - hiện bị quản thúc tại Nam Phi với tội danh liên quan vụ đảo chính tại Equatorial Guinea. Xuất hiện trước tòa và bị cáo buộc vi phạm luật cấm người cư ngụ tại Nam Phi tham gia hoạt động quân sự nước ngoài, Mark Thatcher 51 tuổi khẳng định mình chẳng hề dính dáng. Tuy nhiên, đơn vị cảnh sát đặc biệt Nam Phi (mệnh danh “Những con bọ cạp”) cho biết họ có đủ chứng cớ cho thấy Mark Thatcher là một trong những nhà tài trợ cho vụ đảo chính Equatorial Guinea.

Bản thân từng là đề tài báo chí với những thương vụ tai tiếng vào thập niên 1980, Mark Thatcher đã bị bắt bất ngờ khi lực lượng “Những con bọ cạp” gõ cửa nhà ông vào 7 giờ sáng 25-8-2004. Được thả sau đó khi nộp tiền tại ngoại 2 triệu rand (165.000 bảng Anh) và bị tịch thu thông hành, Thatcher buộc phải lưu lại Cape Town cho đến phiên tòa 25-11-2004.
Tất nhiên Thatcher không thừa nhận tất cả những gì bị qui kết, trong vụ đảo chính Tổng thống Equatorial Guinea Teodoro Obiang Nguema M’basogo. Vụ đảo chính bị phá vỡ vào ngày 8-3-2004 khi 70 tên lính đánh thuê bị bắt lúc bay từ Nam Phi vào Harare (Zimbabwe) để lấy vũ khí. Kẻ chủ mưu vụ đảo chính là chính trị gia lưu vong Severo Moto, thủ lĩnh đảng đối lập Cấp tiến.
Tất cả lính đánh thuê bị bắt, hiện bị giam tại Zimbabwe, trong đó có chỉ huy nhóm đảo chính Simon Mann – nguyên đại úy lực lượng đặc nhiệm Anh SAS và là bạn thân Mark Thatcher. Hiện bị giam trong nhà tù Chikurubi ở Zimbabwe, Simon Mann bị thộp vào tháng 3-2004 tại phi trường Harare cùng chiếc máy bay có hàng chục lính đánh thuê, hạ cánh nhằm bốc lô hàng súng AK-47, bom, lựu đạn và 75.000 viên đạn. Nếu đúng kế hoạch, nhóm Simon Mann sẽ đáp chiếc Boeing 727-100 này để sang Equatorial Guinea và thực hiện vụ đảo chính.
- Diễn tiến sự việc
Tờ The Guardian đã tiếp cận được bức thư Simon Mann gửi về cho vợ từ nhà tù Zimbabwe, yêu cầu móc nối những người “đầu tư” tài trợ vụ đảo chính dùng ảnh hưởng mình để đưa ông thoát tù. Trong lá thư, Simon Mann cho biết ông cũng hy vọng nhận được 200.000 USD từ Mark Thatcher – thường quen gọi bằng tên thân mật “Scratcher” – để thực hiện “một dự án” nào đó. Vấn đề ở chỗ tại sao phải lật đổ Teodoro Obiang?

Theo The Guardian, mục đích đảo chính là nhằm có thể dễ dàng tiếp cận các giếng dầu Equatorial Guinea bằng cách đưa chính khách lưu vong Severo Moto trở lại quyền lực (hiện Moto sống tại Tây Ban Nha). Trong phiên tòa gần đây, tay lái súng Nick du Toit (người Nam Phi) khai rằng Mark Thatcher đã gặp Simon Mann vào tháng 7-2003, bàn về việc mua trực thăng quân sự “hỗ trợ doanh nghiệp khai thác mỏ tại Sudan”.
Ngoài ra, nếu mọi việc suôn sẻ, chiếc máy bay hai động cơ King Air sẽ đưa Severo Moto từ Tây Ban Nha đến Bamako (Mali) vào ngày đảo chính để có thể nhanh chóng trở về nước. Simon Mann cho biết thêm tiến trình đảo chính được thai nghén từ tháng 1-2003, khi ông được giới thiệu gặp doanh nhân Eli Calil tại Luân Đôn. Eli Calil là bạn thân và cũng là nhà tài trợ cho chính trị gia lưu vong Moto.
Trong biên bản khai, Simon Mann viết: “Eli Calil yêu cầu tôi gặp Severo Moto và tôi đã gặp ông ấy tại Madrid. Ông ấy là người tốt và trung thực. Vào thời điểm đó, người ta yêu cầu tôi hộ tống Moto trở về nước vào thời điểm đồng thời xảy ra cuộc nổi dậy quân sự lẫn quần chúng lật đổ Obiang. Tôi đã đồng ý”.
Tiến trình đảo chính được lên kế hoạch, với tiền, vũ khí và nhân lực, do Simon Mann sắp xếp, thông qua hai công ty Logo Ltd và Systems Design Limited đóng tại đảo Guernsey (eo biển Anh). Sau đó, Simon Mann chi 400.000 USD để cải đổi chiếc Boeing 727 mua một tuần trước thời điểm đảo chính từ một công ty tại Kansas (máy bay được cải đổi cho mục đích quân sự để có thể cất và hạ cánh trên đường băng ngắn). Giai đoạn cuối hoàn thành vào tháng 2.
Dùng quan hệ mua bán vũ khí và quân sự, Du Toit bắt đầu tuyển mộ lính đánh thuê (chủ yếu thành phần cựu binh thời Apartheid) đồng thời giới thiệu Simon Mann với Chủ tịch Công nghiệp quốc phòng Zimbabwe tại Harare để thương lượng mua vũ khí. Theo kế hoạch, máy bay sẽ đón 64 (có tài liệu ghi 70) lính đánh thuê tại phi trường Wonderboom gần Pretoria rồi chở họ đến phi trường quốc tế Pietersburg và từ đó bay sang Harare.
Tại Harare, máy bay sẽ tiếp nhiên liệu và lấy vũ khí – 150 lựu đạn, 80 đạn cối 60 li, 100 súng chống tăng RPG-7, 20 súng máy, 61 AK-47 và 75.000 viên đạn. Tiếp đó, máy bay trực chỉ đến Malabo (Equatorial Guinea), hạ cánh lúc 2 giờ 30 sáng thứ hai 8-3-2004. Simon Mann ở Harare tiếp tục liên lạc Du Toit tại Malabo bằng điện thoại vệ tinh. Một khi lính đánh thuê hạ cánh, một tiểu đội sẽ phong tỏa phi trường và các toán còn lại được chở vào trung tâm thành phố bằng xe do Du Toit cung cấp. Nhiệm vụ của họ là dựng rào chắn, ngăn quân đội rời căn cứ tiếp viện cho thành phố.
Một nhóm khác có sứ mạng bắt sống Bộ trưởng Antonio Javier (là đối tác làm ăn của Du Toit!) và buộc vị này đưa đến chỗ Tổng thống Teodoro Obiang ngủ. Teodoro Obiang được chở đến phi trường, nếu “không bị thiệt mạng tại hiện trường” và đưa đến Tây Ban Nha. Trong khi đó, Moto sẽ hạ cánh tại phi trường Malabo, 30 phút sau lính đánh thuê. Ông sẽ kêu gọi “quân đội buông súng đầu hàng”. Trước khi bình minh ló dạng, dân chúng Equatorial Guinea sẽ biết được chuyện, qua sóng phát thanh và thấy trên truyền hình vị tổng thống mới.
- Động cơ đảo chính
Từ khi nhóm lính đánh thuê can dự âm mưu đảo chính bị bắt, hai phiên xử – một tại Zimbabwe và một tại Equatorial Guinea – đã được thực hiện. Một can phạm (người Đức) đã bị chết trong tù ở Equatorial Guinea. Như nói ở trên, động cơ đảo chính là nguồn lợi dầu. Xuất lượng dầu khai thác tại Equatorial Guinea đã tăng 10 lần kể từ giữa thập niên 1990, đưa Equatorial Guinea trở thành nước có tiềm lực dầu thứ ba tại Hạ Sahara.
Trước kia, quốc gia nhỏ ở Tây Phi này – gồm vài đảo và dải đất nằm giữa Gabon và Cameroon – là thuộc địa Tây Ban Nha, giành độc lập năm 1968. Suốt chiều dài lịch sử cận đại, Equatorial Guinea luôn chứng kiến cảnh thủ túc bất hòa. Teodoro Obiang Nguema M’basogo giành quyền lực từ cuộc đảo chính đẫm máu năm 1979, khi giết chết người chú ruột. Sinh năm 1942, Teodoro Obiang từng học quân sự tại Tây Ban Nha. Tháng 7-2004, sóng phát thanh Equatorial Guinea tuyên bố Teodoro Obiang nên được xem là “thượng đế”.
Năm 2002, đảng Dân chủ Equatorial Guinea (PDGE) của Obiang thực hiện chiến dịch hạn chế sức mạnh các đối thủ khi cuộc bầu cử tổng thống chuẩn bị tiến hành. BBC cho biết khoảng 140 người, trong đó có các thủ lĩnh chính trị đối lập, đã bị vây bắt và xử với qui kết dính dáng âm mưu đảo chính. Tiếp đó, Obiang tuyên bố ông đắc cử tổng thống với gần 100% phiếu.
Phần Mark Thatcher, trong nhiều năm, ông là “vấn đề” đối với sân khấu chính trị nước Anh cũng như với chính mẹ ông. Đã có vô số lời ra tiếng vào về việc Mark Thatcher lợi dụng ô dù mẹ mình (thời bà Margaret còn ngồi ghế thủ tướng) để làm ăn. Nổi tiếng là tay chơi, Mark Thatcher hiện có gia sản khoảng 60 triệu bảng Anh. Tuy nhiên, Mark Thatcher không là doanh nhân giỏi, từng thất bại ở vô số cuộc đầu tư trong đó có doanh nghiệp kim hoàn.
Giữa thập niên 1980, ông sang Mỹ và làm đại diện cho hãng Lotus Cars với mức lương 45.000 bảng Anh/năm, nhờ đó, quen và lập gia đình với Diane Burgdorf – con gái một triệu phú buôn xe. Giữa thập niên 1990, trước việc ngày càng bị báo chí phanh phui loạt phi vụ mờ ám và qui kết trốn thuế, Mark Thatcher sang Nam Phi. Tại đây, ông lại bị điều tra cáo buộc liên quan hoạt động cho vay nặng lãi. Riêng trong vụ liên quan đảo chính Teodoro Obiang, nếu bị xử đúng tội danh, Mark Thatcher có thể bị tù ít nhất 10 năm (Nam Phi từ chối dẫn độ Thatcher sang Anh).
MẠNH KIM