Mục tiêu của đề án là dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của TP; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao của TP trong thời gian tới; đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển lĩnh vực xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, để thực hiện đề án, UBND TP đã giao Sở Công thương phối hợp với Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) và các chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng. Nhóm tư vấn đã kết hợp sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để xác định sản phẩm xuất khẩu của TP có lợi thế từ giai đoạn 2012 - 2016. Sử dụng dữ liệu của gần 14.000 DN xuất khẩu kết hợp khảo sát, phỏng vấn gần 200 DN thuộc 14 nhóm ngành hàng để xác định lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu. Kết hợp với các chuyên gia Đại học Havard, Hoa Kỳ để xây dựng bản đồ liên kết các cụm, ngành công nghiệp của TP. Qua đó, giúp nhóm tư vấn xác định những sản phẩm mới nào có khả năng phát triển trong thời gian tới, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, muốn bàn về xuất khẩu trên địa bàn TPHCM, có 2 vấn đề cần làm rõ, là hàng xuất khẩu từ TPHCM hay TPHCM sẽ sản xuất một sản phẩm cụ thể để xuất khẩu. Nếu chúng ta tập trung ở vế thứ 2, nghĩa là còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến định hướng phát triển công nghiệp. TPHCM nên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, tốt hơn là đứng ra sản xuất. Để làm được việc này, hoạt động sản xuất của TPHCM phải được gắn kết với vùng kinh tế TPHCM, một mình TP không làm nên chuyện. “Tôi cho rằng, nhóm tư vấn nghiên cứu cần có một chương trong đề án để làm rõ việc gắn kết vùng kinh tế TPHCM để báo cáo UBND TPHCM. Dứt khoát phải thay đổi tư duy về hàng hóa xuất khẩu, ngay cả 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 lĩnh vực dịch vụ cũng cần phải xem lại vì nhiều khả năng sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn mới”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh. Cùng quan điểm trên, ông Trần Việt Anh, Hiệp hội Nhựa cao su TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn, cũng cho rằng đã và đang có sự dịch chuyển rất lớn từ TPHCM đến các địa phương khác vì nhiều nguyên nhân. Tại TPHCM, trong giai đoạn 2016 - 2018 có khoảng 200 DN ngành nhựa cao su thì hiện có tới 100 DN chuyển đến các địa phương khác để sản xuất. Do vậy, vấn đề gắn kết sản xuất trong vùng kinh tế TPHCM là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Theo các chuyên gia, để kinh tế TP phát triển và chuyển dịch đúng hướng thì cần phải có một hạ tầng tốt để kết nối các tuyến đường trọng điểm ra vào cảng, các luồng lạch, kho tàng, bến bãi, cảng biển và các địa điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. TPHCM không phát triển thêm các KCN tổng hợp mà nên tập trung hình thành các KCN chuyên ngành theo hướng đồng bộ hóa và chuyên môn hóa như cơ khí chế tạo và điện tử; công nghiệp phần mềm, khu công nghiệp hóa chất, dệt may, da giày...; KCN liên kết sản phẩm phụ trợ, trở thành cánh tay nối dài của khu công nghệ cao. Xây dựng trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu và tổ chức hội chợ triển lãm thương mại hàng xuất khẩu với quy mô quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN xuất khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam với khách mua hàng quốc tế.