Vào những năm cao điểm, làng mai Vĩnh Phú có gần 100 hộ tham gia trồng mai kiểng với diện tích khoảng 10ha, nhưng đến nay diện tích bị thu hẹp hơn 30% và chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc các loại cây trồng khác có chu kỳ thu hoạch ngắn, vốn đầu tư ít hơn, nhằm nhanh chóng thu hồi vốn.
Anh Nguyễn Văn Hiền (45 tuổi, ngụ khu phố Đông) cho biết, các năm trước khi việc chăm sóc mai kiểng có nhiều thuận lợi, lúc cao điểm anh trồng khoảng 3.000 gốc mai trên diện tích hơn 4.000m2, năm nào cũng cắt lá cho gần 3.000 gốc, chỉ cần bán được khoảng 20% số gốc là đã có lời, nhưng năm nào cũng bán hết khoảng 45% nên doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng. Riêng năm nay, anh phải thu hẹp hơn 2.000m², đồng thời chỉ tập trung vào các cây mai ở mức giá trung bình từ 2-5 triệu đồng để phân phối ở các khu vực lân cận, không mở rộng điểm trưng bày và bán hàng như các năm.
Trước đây, cứ vào dịp giáp tết, vườn mai của anh tấp nập người ra vào mua hoặc thuê, và lúc nào cũng có hơn 10 công nhân phụ việc, còn năm nay anh chỉ thuê 3 người làm để giảm chi phí vì công việc không nhiều như mọi năm. Gia đình ông Huỳnh Văn Tánh (75 tuổi, ngụ khu phố Tây, phường Vĩnh Phú) cũng trong hoàn cảnh tương tự, các năm trước số lượng mai chăm sóc là gần 3.000 gốc, năm nay đã giảm gần 2/3 và chỉ còn những gốc có giá trung bình khoảng 3-5 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân.
Để duy trì và phát triển làng nghề trồng mai có từ nhiều đời tại phường Vĩnh Phú, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dân phát triển nền nông nghiệp đô thị trên nền tảng xanh, sạch như hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, kỹ thuật lai tạo giống, chăm sóc cây; tổ chức các cuộc thi nhằm tôn vinh nghệ nhân và tìm kiếm thị trường tiêu thụ… nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu nghề truyền thống đang mai một dần.
Theo ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, các chính sách đã áp dụng trong thời gian qua vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả mong muốn là phát triển ổn định, lâu dài, nâng cao đời sống người dân và quảng bá thương hiệu làng mai kiểng Vĩnh Phú. Tuy nhiên trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, việc trồng mai kiểng được ưu tiên để khuyến khích mở rộng phát triển nên ngoài chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, sở còn hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các hội thi, tôn vinh các nhà vườn tiêu biểu, hướng dẫn xen canh ở các vườn mai có diện tích lớn để tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân. Còn đối với các khu vực thường xuyên chịu ngập úng, sở cũng hướng dẫn chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn.