Đô thị đặc biệt cần cơ chế đặc thù

Đô thị đặc biệt cần cơ chế đặc thù

Tập thể Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy. Các đồng chí đã có nhiều ý kiến góp ý, đánh giá, chỉ đạo với yêu cầu cao và tin rằng với vai trò đầu tàu của cả nước, đầu cầu hội nhập khu vực, TPHCM cần chú ý vai trò liên kết vùng, chủ động đón thời cơ, vượt qua thách thức để hội nhập sâu rộng và thành công. Bộ Chính trị tán thành đề xuất của thành phố về chính sách và cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố giai đoạn 2015-2020, dự thảo Báo cáo Chính trị nêu rõ định hướng phát triển toàn diện, trong đó khẳng định quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt... thể hiện tầm nhìn, hướng đến sự phát triển bền vững và vì con người.

Để xử lý tốt những vấn đề của một đô thị đặc biệt, để làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế, đầu cầu của hội nhập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải phát huy sức mạnh tổng hợp, truyền thống năng động, sáng tạo, có những bứt phá, tăng tốc phát triển và rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết 16/BCT về TPHCM của Bộ Chính trị ban hành năm 2012 có nêu vấn đề tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố, tiếp tục cho phép thành phố thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Hiến pháp năm 2013 đã mở theo hướng cấp chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, nhưng trong thực tế chưa có quy định cụ thể.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm vừa được nâng cấp, cải tạo (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Trong hai đô thị đặc biệt, Hà Nội có Luật Thủ đô. Còn TPHCM, thì với những quy định hiện hành, thực hiện giống như các tỉnh. Vấn đề đặt ra hàng thập kỷ là TPHCM đang mặc “chiếc áo quá chật” vẫn chưa có hướng xử lý nhanh. Sau 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận, phường, mặc dù thành phố là nơi thực hiện có kết quả, nhưng sắp tới sẽ tổ chức lại như cũ và HĐND TP sẽ có thêm Ban Đô thị. Rồi bộ máy tăng, kinh phí tăng không ít. Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, khi tổ chức lại HĐND huyện - quận, phường, tổng số đại biểu sẽ là 8.340 người, chuyên trách là 355 người. Năm 2001, Chính phủ có Nghị định 93 phân cấp cho thành phố một số lĩnh vực, nhưng sau đó các văn bản pháp luật ban hành theo hướng tập trung thẩm quyền xử lý ở cấp trung ương nên đã không còn phát huy trong thực tế.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại đại hội có đề cập về chính quyền đô thị, nhưng lần này, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X của thành phố không nêu lại. Với tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ, đổi mới để phát triển, để có thêm lòng tin, có lẽ thành phố nên tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với trung ương những vấn đề không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn liên quan đến hệ thống chính trị, bằng ý thức trách nhiệm, có tính nguyên tắc, căn cơ và có sức thuyết phục từ thực tiễn thành phố. Tinh thần quả cảm của các đồng chí lãnh đạo thành phố đi trước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá, đã góp phần mang lại những thành tựu trong đổi mới của thành phố và đất nước.

Để tạo động lực cho thành phố tăng tốc phát triển trong điều kiện hội nhập, những đòi hỏi cải cách thể chế, trong đó có những cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Thành phố cần chủ động đề xuất bởi sự phát triển của thành phố có ý nghĩa cho sự phát triển của khu vực và cả nước. Hy vọng, với các ý kiến góp ý lần này cho Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy sẽ lắng nghe, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội sẽ lắng nghe, sẽ xử lý, nhất là những vấn đề liên quan đến thể chế. Nếu chưa có Luật Đô thị thì cho TPHCM thí điểm, tiếp tục thí điểm... Từ thực tiễn sinh động sẽ có sự tổng kết, hình thành chủ trương, chính sách đổi mới hợp lòng dân.

TPHCM không tự hài lòng rằng đây là nơi đóng góp hơn 20% GDP cả nước, đóng góp gần 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước... Đây là nơi còn đối mặt với nhiều thách thức và tiếp tục xử lý các vấn đề kẹt xe, ngập nước, khắc phục nhiều tình trạng quá tải... Để thành phố trở thành nơi có chất lượng sống tốt phải là sự phấn đấu cật lực từ nhà lãnh đạo cho tới người dân. Vấn đề còn có ý nghĩa quan trọng là sự đóng góp của thành phố về cơ chế, chính sách đổi mới. Có lẽ thành phố này là nơi kiểm nghiệm đường lối, chủ trương, chính sách qua thực tiễn tốt nhất. Và đây còn là nơi khởi đầu cho những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt và thành công.

Xin gửi gắm và đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội lần thứ X của TPHCM, Đại hội của Đổi mới - Hội nhập - Thành công.

PHẠM PHƯƠNG THẢO
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM

Tin cùng chuyên mục