Ngày 15-11 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chương trình nghị sự dự kiến, các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của quốc gia thành viên G20 tập trung thảo luận về vấn đề Syria, cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, căng thẳng trên biển Đông…
Theo tờ New York Times, hội nghị lần này bị phủ bóng bởi vụ tấn công khủng bố ở Paris. Các nhà lãnh đạo G20 sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về mối đe dọa ngày càng tăng bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sức ép tìm được sự đồng thuận trong cuộc chiến chống khủng bố đặt ra trong hội nghị lần này là rất lớn. Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là: phương Tây sẽ phản ứng thế nào với IS?
Một quan chức của Mỹ tiết lộ, Washington rất trông đợi Pháp sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến dịch không kích chống IS. Ngoài ra, đến với hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ tìm cách lôi kéo thêm một số nước châu Âu và Trung Đông tham gia liên minh chống IS, cụ thể hóa các cam kết về quân sự. Mỹ có can thiệp sâu hơn vào Syria hay không ngoài các cuộc không kích cũng là vấn đề được dư luận đặt dấu hỏi sau khi Washington đã điều động một số đơn bị đặc nhiệm đến phía Bắc Syria để cùng phối hợp với lực lượng mà Mỹ gọi là “Hồi giáo ôn hòa” chống lại IS.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nếu như phương Tây và Nga không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria, sẽ không bao giờ tìm được lời giải cho bài toán chống IS. Cuộc xung đột tại Syria kéo dài hơn 4,5 năm qua đã biến mảnh đất này thành nơi trú ẩn cho IS. Chỉ khi Syria không còn bị chia năm xẻ bảy như hiện nay, sự bám rễ của IS mới có thể bị nhổ bỏ. Nhưng tiến trình tiến tới một Syria thống nhất đang vấp phải trắc trở bởi sự khác biệt giữa phương Tây và Nga về tương lai của Tổng thông Syria Bashar al-Assad. Trong khi phương Tây dứt khoát không muốn ông Assad nắm giữ vai trò gì trong đời sống chính trị của Syria trong tương lai thì Nga nhất quyết ông Assad phải có tiếng nói.
Nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cho thấy sự khó khăn trong việc giải quyết sự khác biệt này. Theo ông Ryabkov, cuộc đàm phán về Syria tại Vienna, Áo về tiến trình chính trị tiến tới bầu cử tại Syria cùng với những thông điệp từ các quốc gia trên thế giới sau vụ khủng bố ở Paris cho thấy thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của việc chung tay chống khủng bố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể có “bước đột phá” nào giúp các bên cụ thể hóa nhận thức đó.
Xung đột tại khu vực Trung Đông mà điểm nóng hiện nay là Syria là nguồn cơn đưa đến tình trạng người dân tại khu vực chạy nạn đến châu Âu. Nhiều nguồn tin an ninh tin rằng trong dòng người di cư đó, có không ít những kẻ cực đoan trà trộn đến châu Âu để tiến hành các vụ khủng bố đẫm máu. Hầu hết các sự kiện xảy ra trong một thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay đều có quan hệ mắt xích với nhau. Nếu không gạt bỏ được những toan tính vì lợi ích của một hoặc vài quốc gia thì không thể chung tay giải quyết các vấn đề mang tính quốc tế. Những mầm ác như IS sẽ chẳng thể nảy nở, phát triển mạnh mẽ trên một mảnh đất mà tinh thần đoàn kết quốc tế ngự trị.
Đỗ Cao
>> Chiến tranh ngay giữa Paris