Doanh nghiệp châu Âu lâm nguy

Cùng với GDP giảm mạnh do cú sốc từ đại dịch Covid-19, việc tạm dừng - ít nhất là một phần - sản xuất ở nhiều công ty cũng đã dẫn đến sự sụt giảm doanh thu và gia tăng nguy cơ phá sản lớn chưa từng có ở châu Âu.
Nhiều nhà hàng ở Pháp vắng bóng khách do ảnh hưởng đại dịch Covid-19
Nhiều nhà hàng ở Pháp vắng bóng khách do ảnh hưởng đại dịch Covid-19

GDP bốc hơi

So với năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm khoảng 5,1% trong năm 2020, trước khi phục hồi với mức tăng 3,2% trong năm 2021. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) của Đức công bố ngày 16-6, trong 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, khiến sản xuất sụt giảm và khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức dự báo sẽ tăng “đáng kể” từ mức 5% năm 2019 lên 6,3% trong năm 2020. Số liệu việc làm mới nhất trong tháng 5 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới 6,1%. IWH nhận định, nền kinh tế Đức có thể chạm đáy trong quý 2-2020. 

Tại Tây Ban Nha, ngày 17-6, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino cho biết, nền kinh tế nước này có khả năng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm sau khi chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Calvino cho hay, các số liệu mới nhất về việc làm cho thấy giai đoạn phục hồi đã bắt đầu với 1 triệu người lao động đã quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ giãn cách xã hội và 300.000 người tìm được việc làm mới, đồng thời tham gia bảo hiểm xã hội. So với năm 2019, kinh tế Tây Ban Nha dự kiến sụt giảm kỷ lục ở mức 11,6% trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cho biết, kinh tế nước này có thể sẽ giảm kỷ lục ở mức 15% trong quý 2 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời điều chỉnh nâng dự báo năm 2020 ở mức giảm sẽ lên 9,5%, mức giảm lớn nhất trong gần một thế kỷ qua. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan dự báo, kinh tế nước này sẽ giảm 6% trong năm 2020, cao hơn mức dự báo giảm 5,5% do bộ này đưa ra hồi tháng 4, thâm hụt tài chính công sẽ tăng lên 8% GDP và tỷ lệ nợ chính phủ tăng lên khoảng 71% GDP trong năm nay. 

Làn sóng phá sản

Theo thăm dò của Cơ quan Bảo hiểm - tín dụng Coface mới đây, làn sóng phá sản của các công ty tăng mạnh trên khắp châu Âu trong nửa cuối năm 2020 và vào năm 2021. Đức, quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất của Covid-19 ghi nhận khả năng phá sản của các công ty tăng 12% từ nay đến cuối năm 2021. Con số này ở Pháp là 21% và Tây Ban Nha 22%. Tuy nhiên, sự gia tăng lớn nhất về số lượng các công ty phá sản xảy ra ở Hà Lan với dự báo 36%, Vương quốc Anh và Italy là 37%. Riêng tại Pháp, theo Coface, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.345 doanh nghiệp bị phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập; 200.000 việc làm trực tiếp bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ phá sản nhất thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, giao thông vận tải, thương mại, may mặc, xây dựng. 

Để ngăn chặn khả năng mất tính thanh khoản của các công ty dẫn đến phá sản, chính phủ các nước châu Âu đã nhanh chóng có nhiều biện pháp. Ngày 16-3, Chính phủ Đức đề xuất một luật mới buộc trách nhiệm hình sự đối với các công ty không thông báo sớm về khả năng mất thanh khoản (trong vòng 21 ngày từ khi xảy ra tình trạng thanh khoản kém và/hoặc nợ quá mức).

Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua Nghị định 8/2020, trong tình trạng báo động, đình chỉ nghĩa vụ những công ty bắt đầu mất khả năng thanh toán và đưa ra tố tụng hình sự trong vòng 2 tháng xảy ra tình trạng mất khả năng này. Nhưng sau đó, nghị định này được mở rộng áp dụng đến ngày 31-12 do tình trạng thanh khoản kém tăng lên quá nhiều.

Tại Pháp, Pháp lệnh số 2020-341 ngày 27-3 quy định vài tháng sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế do Covid-19, những công ty mất khả năng thanh toán được đánh giá theo tình huống của từng trường hợp cụ thể để xử lý. Ở Italy, quy định chủ nợ không có quyền nộp đơn kiến nghị yêu cầu nhà nước tuyên bố các công ty mất khả năng thanh toán, chỉ có công tố viên được trao quyền để làm như vậy. Hà Lan đã quyết định xúc tiến quy trình cải cách lập pháp (đã trình Quốc hội vào tháng 7-2019) về các kế hoạch tái cấu trúc các công ty có nguy cơ phá sản để áp dụng từ  1-7-2020.

Tin cùng chuyên mục