Doanh nghiệp dệt may, da giày “săn” lao động

Phương Nam không còn là “miền đất hứa”?
Doanh nghiệp dệt may, da giày “săn” lao động

TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã từng được xem là miền đất hứa của những người lao động. Phương Nam “đất lành chim đậu” đã từng tạo nên cơn sốt khi một lượng lớn lao động phổ thông từ các tỉnh đổ về các khu công nghiệp ở đây. Theo đó, ngành dệt may, da giày của Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Thế nhưng, hiện 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN đang đối diện với áp lực “rơi rụng” nguồn lao động.

Với việc có thêm đơn hàng trong năm 2010, nhiều doanh nghiệp dệt may đang cần tuyển lao động. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Với việc có thêm đơn hàng trong năm 2010, nhiều doanh nghiệp dệt may đang cần tuyển lao động. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phương Nam không còn là “miền đất hứa”?

Ở thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay, vấn đề đơn hàng sản xuất, xuất khẩu (XK) không phải là lý do bận tâm của DN dệt may, da giày mà việc sụt giảm, thiếu hụt lao động mới là vấn đề lớn và đáng lo nhất. Dù biết rằng, nguồn lao động đang bị cạnh tranh khốc liệt vì sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ, nhưng với tốc độ “rơi” nhanh chóng như hiện nay thì quả là đáng báo động.

Ngay cả các DN lớn có quy mô sản xuất lớn với khoảng gần 3.000 lao động, cũng bất lực vì lượng lao động sụt giảm quá lớn, khi mất khoảng 700 lao động trong năm 2009.  Việc thiếu lao động đối với ngành dệt may, da giày là nỗi ám ảnh của DN khi năm hết tết đến. DN lo sẽ có biến động lao động sau tết.

Hiện nay, nhiều DN đã có những chính sách tích cực để giữ người lao động. Trong năm 2009, dù kinh tế khó khăn, XK giảm sút nhưng DN vẫn đảm bảo mức lương thưởng cuối năm cho người lao động. Thậm chí có nhiều DN, mức lương thưởng trong năm nay cao hơn năm trước. Chấp nhận giảm lợi nhuận để chăm lo đời sống cho người lao động là một trong những kế sách của DN.

Năm nay, nhiều DN cho lao động nghỉ tết với thời gian khá dài, khoảng nửa tháng, từ khoảng ngày 25 - 27 tháng Chạp đến mùng 9 tết mới vào làm.

So với dệt may, các DN da giày gặp khó khăn hơn về lao động. Ngành dệt may có khoảng 2.000 DN với trên 2 triệu lao động. Ngành da giày có khoảng 500 DN với khoảng 650.000 lao động. Trong đó, DN da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 3/4. Tuy lượng lao động ít hơn nhưng lao động da giày vẫn thiếu.

Dù thời gian gần đây, ảnh hưởng khó khăn từ các công ty mẹ ở nước ngoài, nhiều DN da giày của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã đóng cửa, ngưng sản xuất, một lượng lớn lao động từ đây dôi ra, nhưng các DN vẫn không tuyển được lao động.

Đi cũng dở, ở không xong

Một thực tế dẫn đến tình trạng thiếu lao động như hiện nay là việc chuyển dịch lao động từ đô thị lớn như TPHCM về các tỉnh. Đây cũng là một xu hướng để giải bài toán quá tải lao động nhập cư tại các đô thị lớn. Việc thiếu lao động tại các đô thị lớn như hiện nay cũng là điều tất yếu khi các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hình thành nhanh chóng tại các địa phương.

May xuất khẩu tại Công ty May Phương Đông. Ảnh: ĐỨC TRÍ

May xuất khẩu tại Công ty May Phương Đông. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiều DN dệt may ở TPHCM, Bình Dương cũng tìm đường, mở hướng đầu tư vào các tỉnh miền Trung, ĐBSCL để đón đầu xu thế này. Nhưng lạ thay, tại nơi tưởng chừng có nguồn dồi dào như ở các tỉnh, DN vẫn không thể tuyển ra lao động. Công ty TNHH Giày Gia Định đã đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu để mong tìm kiếm nguồn lao động địa phương, nhưng nhà máy mới đưa vào hoạt động chỉ mới có được 100 lao động.

Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, đầu tư xây dựng Nhà máy May Tân Mỹ, có cả khu nhà lưu trú 2.000 chỗ ở cho công nhân tại Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch 1 (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), với mức lương làm việc khoảng 2,5 - 3 triệu đồng vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Ngay cả những DN đi trước đón đầu, chuyển sản xuất từ quận trung tâm TPHCM về huyện ngoại thành như Củ Chi cũng bị thất sách vì lao động ở đây cũng bỏ nhà máy, đi xuất khẩu lao động. Quả thật, nhiều DN dệt may, da giày đang rơi vào thế “đi cũng dở, ở không xong”.

Trước việc thiếu lao động, nhiều DN tại TPHCM đã liên kết với các địa phương để tuyển người. Ông Ngô Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 2 cho biết, DN ông đã kết nối với lãnh đạo huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa để đào tạo, tuyển lao động tại địa phương.

Ngoài công tác xã hội, giúp đỡ địa phương khó khăn, việc này cũng là một hướng để DN tuyển thêm nguồn lao động. Chính quyền địa phương đã ký kết với DN, tuyển người, đưa vào TP làm việc và được DN chăm lo ăn ở. Đây có thể xem là một hướng ra tốt cho cả lao động địa phương và DN. Những gia đình có con em cũng yên tâm vì biết chắc chắn nơi làm việc, được địa phương bảo đảm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hội Dệt may - thêu đan TPHCM (Agtek) cho biết, thời gian qua trên hệ thống website của hội đã đăng thông tin tuyển dụng lao động nhưng chưa thật hiệu quả. Thời gian tới, Agtek sẽ tạo ra một sàn giao dịch để các DN giới thiệu, tìm kiếm và trao đổi nguồn lao động. Vì thực tế hiện nay, có nhiều DN ngưng sản xuất, dư lao động, nhưng DN khác cần lại không biết để có thể tuyển dụng.

Ngành dệt may, da giày VN đang có nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường và tăng thị phần XK tại các nước. Và với dự báo, mức lương lao động tại VN sẽ tăng lên khoảng 250 USD/tháng vào năm 2015 cũng là một thách thức lớn cho DN dệt may, da giày.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục