Năm 2015, Việt Nam đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đặc trưng của ngành này với các bước sản xuất cơ bản như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hay đối với ngành da giày là nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều chất thải… là một trong những yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong hội thảo “TPP với ngành dệt may và da giày - làm gì để tận dụng cơ hội?” vừa được tổ chức tại TPHCM, vấn đề bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp (DN) ngành này khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được nhiều chuyên gia đưa ra mổ xẻ. Bởi lẽ, TPP quy định mỗi bên phải thực thi hiệu quả, nghiêm túc pháp luật về môi trường, không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các bên. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, về khí thải, nước thải…, các DN trong ngành này khó tránh những rủi ro.
Nhà máy Dệt may Esquel Việt Nam ở tỉnh Hòa Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED của Hiệp hội Xây dựng Xanh của Mỹ
Nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, các DN Việt Nam không chỉ quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh của mình mà còn cần quan tâm tới các vấn đề ảnh hưởng toàn cầu. Một trong số đó là các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững không phải là khái niệm mới, thế nhưng, chưa bao giờ trở thành vấn đề mang tính sống còn như hiện nay. Đối với các DN, phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội và môi trường trong xu thế hội nhập, mà còn là ưu thế cạnh tranh trong việc đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới khi chọn đối tác. Đặc biệt là đối với ngành dệt may và da giày, cơ hội khi tham gia các hiệp đinh thương mại tự do như TPP là rất lớn, thì yếu tố phát triển bền vững là điều tiên quyết giúp DN chủ động tận dụng cơ hội và xây dựng nền tảng cạnh tranh vững chắc.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty NS BlueScope Vietnam cho biết, thực tế, đối với các đối tác mua hàng chính trong ngành dệt may và da giày như Nike và adidas, bền vững là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn hay phát triển nhà cung cấp. Cụ thể, adidas áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, trong đó quy định rõ ràng mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch và khí thải CO2. Hay như Công ty Nike cũng đánh giá các nhà máy gia công của họ dựa trên 4 tiêu chí: chất lượng, đơn giá, thời hạn giao hàng và sản xuất bền vững và 4 tiêu chí này có trọng số ngang nhau. Thậm chí, Nike còn có chiến lược xây dựng các cửa hàng và nhà máy sản xuất đạt chứng chỉ công trình xanh LEED của Mỹ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của mình.
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội này thì công trình xanh thực sự là công cụ hữu hiệu để các DN dệt may và da giày đạt các chỉ tiêu sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của đối tác và hưởng lợi từ hiệu quả lâu dài từ công trình x anh đem lại. Trước mắt, công trình xanh được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc giảm đáng kể chi phí vận hành. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Về lâu dài, công trình xanh sẽ giảm được rủi ro về chi phí vận hành trước giá điện và giá nước, đều có xu hướng, lộ trình tăng liên tục trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện khái niệm và lợi ích của công trình xanh còn mới mẻ tại Việt Nam và đối với các DN ngành dệt may, da giày. Trong khi đó, các nước trong khu vực hay các tập đoàn dệt may nước ngoài lớn đầu tư tại Việt Nam như TAL, FGL, Hanes Brands... từ lâu đã áp dụng tiêu chuẩn LEED. Sở dĩ có điều này, một phần cũng là do thiếu sự tư vấn về lợi ích công trình xanh cho các DN tại Việt Nam.
MINH HUY