Dự báo cả năm 2016, ngành dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 3% với kim ngạch xuất khẩu khoảng 29 tỷ USD, thay cho mục tiêu 31 tỷ USD đặt ra từ đầu năm. Đáng chú ý, hiện nay hầu hết doanh nghiệp (DN) dệt may đang rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng nghiêm trọng.
Đỏ mắt tìm đơn hàng
“Năm nay thật sự khó khăn đối với ngành may mặc. Những năm trước, đến thời điểm này, DN chúng tôi đã có sẵn đơn hàng cho đầu năm tới. Nhưng năm nay căng quá, ngay cả đơn hàng cho những tháng cuối năm vẫn không đủ, nhiều đối tác không còn tái ký hoặc ký nhưng giảm số lượng xuống gần một nửa”, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH May Hoàng Nhung (huyện Hóc Môn), tâm sự. Công ty Hoàng Nhung là DN chuyên gia công quần áo xuất đi Nhật Bản với khoảng 500 công nhân. Năm trước, khi đơn hàng dồi dào, DN phải đem hàng đi cho gần chục DN bên ngoài gia công.Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do nguồn hàng khan hiếm khiến DN phải gom lại, hiện chỉ tập trung đơn hàng cho xưởng chính của công ty. Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Xuân Trang, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Minh Quân, chuyên gia công hàng thể thao xuất khẩu đi Mỹ, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng của DN giảm khoảng 60%. “Các đối tác ép giá quá, lúc đầu mình còn chịu đựng để duy trì sản xuất. Nhưng nếu kéo dài mãi sẽ phải bù lỗ nên dù đối tác không tự rút, mình cũng không nhận đơn hàng của họ nữa. Hiện chúng tôi chỉ duy trì những đối tác thân quen vì họ còn đàm phán được giá, vẫn còn chút lãi”, bà Trang nói.
Doanh nghiệp dệt may trong nước đang nhận được ít đơn đặt hàng xuất khẩu hơn trước. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có 20% - 30% DN có đủ đơn hàng đến cuối năm, số còn lại đang phải xoay xở bằng cách chia sẻ đơn hàng với những DN thân quen khác. Nguyên nhân dẫn đến khan hiếm đơn hàng là do thời gian gần đây hàng loạt khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển sang Myanmar, Lào. Ngay cả Campuchia cũng vượt Việt Nam trong xuất khẩu hàng may mặc vào EU. Bởi các nước trên có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Cụ thể, Campuchia được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%.Trong khi đó, thuế suất hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%.
Gánh nặng chi phí
Trao đổi với báo chí ngày 20-9, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cho biết việc dịch chuyển đơn hàng may mặc còn có nguyên nhân từ chính sách tỷ giá và tiền lương, đang khiến các sản phẩm dệt may của Việt Nam có giá thành tăng cao hơn các nước nêu trên. Ông Giang dẫn chứng, tỷ giá VND hiện nay chỉ điều chỉnh trong biên độ ±2%, trong khi tại thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, họ đã điều chỉnh rất mạnh, như châu Âu phá giá đồng tiền của mình tới 18%, Nhật Bản giảm 17%. Ngay các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh... cũng giảm giá đồng tiền từ 10% - 20%, Trung Quốc giảm 8%. Điều này khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn hàng các nước khác từ 10% - 16%. Thêm vào đó, việc liên tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng thêm gánh nặng chi phí đầu vào của DN. Chưa kể, chi phí lãi vay ngân hàng quá cao làm tăng chi phí sử dụng vốn. Mức lãi suất mà các DN dệt may đang vay là từ 8% - 10%/năm, tức là gấp 2 - 3 lần so với các nước cùng cạnh tranh khác, làm hàng của Việt Nam đắt hơn từ 2% - 4%. “Hiện nay, tổng các loại chi phí của DN dệt may chúng tôi lên tới 34% giá thành… Với chi phí thế này thì không một DN nào chịu nổi”, bà Nguyễn Thị Xuân Trang trao đổi thêm.
Theo Vitas, khó khăn của ngành dệt may có thể kéo dài đến cuối năm 2017 - thời điểm lộ trình một số hiệp định như TPP và Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Do vậy, trước mắt để tăng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng, các DN dệt may cần có những giải pháp đột phá. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, DN dệt may cần cải tiến năng suất lao động để có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn, cũng như tái cấu trúc mô hình sản xuất, phương thức xuất khẩu, tránh rơi vào tình thế bị động. Bên cạnh đó, hiệp hội ngành hàng phải làm tốt vai trò cầu nối để các DN tăng cường liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu, cơ cấu lại ngành dệt may.
Nhiều DN dệt may cho biết, nguyên nhân đơn hàng giảm là do lượng hàng tồn nhiều, sức tiêu dùng của các nước giảm. Trong khi đó, giá xuất khẩu gần như không tăng, thậm chí có xu hướng giảm từ 10% - 15%, nhưng DN vẫn phải làm để tính đủ khấu hao và đủ lương cho người lao động. |
LẠC PHONG