Doanh nghiệp “mất sức” vì chi phí vận chuyển cao

Với hơn 10 triệu dân, TPHCM đã trở thành siêu đô thị của thế giới. Thế nhưng, hạ tầng logistics cần thiết cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thành phố đã lạc hậu, không chỉ gây khó cho người dân mà còn gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp thành phố.
Cảng Cát Lái thuộc TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cảng Cát Lái thuộc TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Logistics nội cao gấp 3 lần ngoại

Chia sẻ về đề án phát triển logistics của TPHCM đã được phê duyệt, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết, thành phố sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha, gồm Cát Lái - Phú Hữu, Long Bình, Linh Trung thuộc TP Thủ Đức; Củ Chi thuộc huyện Củ Chi; Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh; Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè; và xã Tân Hiệp thuộc huyện Hóc Môn.

Ngoài ra, các dự án có chức năng tương tự trung tâm logistics như kho lạnh ở Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang có yêu cầu rất cao về việc thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, vốn đầu tư xây dựng, cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các trung tâm này.

Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và tăng lên 12% vào năm 2030. Quan trọng hơn, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10%-15%.

Thế nhưng, việc chậm đầu tư hạ tầng logistics tương xứng với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp cũng như quy mô thị trường ngày càng lớn như hiện nay đang kéo chậm sự phát triển kinh tế TPHCM.

Ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Phát triển tiếp vận số 1, cho biết, hiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng rất lớn do chi phí logistics Việt Nam quá cao. Đơn cử, chi phí vận chuyển container hàng từ TPHCM ra Hà Nội cao gấp 3 lần so với chi phí đi châu Âu và Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt, bức xúc, cước phí vận chuyển một container loại 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) về cảng Sài Gòn là 300-400USD; trong khi cước phí vận chuyển từ TPHCM ra cảng phía Bắc mất khoảng 1.000USD.

Không chỉ vậy, với một nước có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp còn phải trải qua rất nhiều công đoạn, tốn kém nhiều chi phí logistics. Như mỗi lần nông sản phía Bắc vào vụ, muốn xuất khẩu đi thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bắt buộc phải thực hiện chiếu xạ. Mà những nhà máy chiếu xạ chỉ có ở phía Nam. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tăng lợi thế vận chuyển đường thủy

Theo nhiều chuyên gia, để đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng ngành logistics cho cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, cần thiết nhìn nhận rõ yếu kém của toàn ngành. Trước hết, phải thấy rằng, có gần 70% logistics Việt Nam là vận tải đường bộ, trong khi cước phí vận chuyển đường bộ cao hơn rất nhiều so với các loại cước phí vận chuyển khác như đường thủy nội địa, đường biển…

Để cải thiện chi phí logistics, nhất thiết phải tăng cường đầu tư phát triển vận chuyển đường thủy nội địa và đường biển. Ngoài việc xác định vị trí xây dựng cảng biển phù hợp, Chính phủ phải hợp nhất quản lý các cảng vụ ở các tỉnh thành, cũng như xây dựng các bộ phận chuyên môn đủ năng lực điều phối hãng tàu, công ty môi giới tàu biển, công ty hoa tiêu.

Ngành logistics cần nâng cấp, số hóa hệ thống trao đổi điện tử online, đảm bảo doanh nghiệp có thể làm thủ tục giao nhận, giao dịch online, ứng dụng hệ thống mã vạch trong điều hành… Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nạo vét thường xuyên, kết hợp mở rộng luồng tuyến để tăng năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng, cho biết, cùng với những giải pháp tổng thể, TPHCM cần đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông đường bộ kết nối các cảng biển và tỉnh thành lân cận. Việc đầu tư cảng biển trung chuyển Cần Giờ được xem là hướng đi táo bạo, chiến lược để tạo đột phá trong phát triển kinh tế; đồng thời cải thiện thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng môi trường đầu tư. Cần có thêm các chính sách hỗ trợ vốn để doanh nghiệp logistics chuyển đổi năng lực, đáp ứng chuẩn yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Dịch vụ logistics vùng Đông Nam bộ chiếm 49,2% cả nước

Vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics (trong đó, TPHCM có 11.027 doanh nghiệp) chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Thế nhưng, phần lớn đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, với tiềm lực tài chính yếu (90% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa), phân mảnh, manh mún và mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn kém.

Tin cùng chuyên mục