Doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hơn

Quy trách nhiệm “để lọt” những khoản chi lớn
Doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hơn

Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều khoản chi phí bất hợp lý, như mua ô tô, xây biệt thự, sân tennis, đầu tư ngoài ngành bị  lỗ, hoặc các công ty thành viên kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn trích thưởng; thậm chí gánh lỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được EVN gộp vào chi phí sản xuất điện để tính giá thành điện. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến cho rằng, cơ chế kiểm soát các tập đoàn nhà nước hiện nay chưa chặt chẽ. 

Tính đến thời điểm phải giao lại cho Viettel, EVN Telecom đã được EVN đầu tư hơn 2.425 tỷ đồng và đã lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm phải giao lại cho Viettel, EVN Telecom đã được EVN đầu tư hơn 2.425 tỷ đồng và đã lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Quy trách nhiệm “để lọt” những khoản chi lớn

EVN là tập đoàn được hưởng quá nhiều lợi thế, hoàn toàn không phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường và gần như độc quyền. Vậy mà hạch toán giá thành kiểu này? Không hiểu EVN có biết do giá thành điện quá cao nên nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa hoặc sản phẩm sản xuất ra không cạnh tranh nổi, bao nhiêu người lao động do doanh nghiệp đóng cửa không có việc làm, bao nhiêu tệ nạn phát sinh từ hệ lụy này.

Báo chí đã nhiều lần lên tiếng về sự thiếu trung thực của EVN khi tăng giá điện trong 7 lần vừa qua, tuy nhiên lại chưa phân tích yếu tố quan trọng, đó là sự “giúp đỡ” của Bộ Công thương. Không có sự đồng ý của Bộ Công thương, EVN làm sao tăng giá điện được? Theo tôi, cơ quan quản lý là Bộ Công thương và cơ quan quản lý tài chính là Bộ Tài chính cũng phải chịu trách nhiệm khi đã “để lọt” những khoản chi lớn như vậy của EVN. Vẫn biết việc thua lỗ của EVN là do kinh doanh ngoài ngành để hưởng lợi, vậy mà Bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn công nhận cho EVN tăng giá điện, có nghĩa là lấy tiền của người dân để bù lỗ cho những việc làm sai trái của EVN.

Đề nghị cần làm rõ kết luận của thanh tra về sự thiếu minh bạch, thiếu trung thực của EVN trong thời gian qua đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nước ta? Nếu vi phạm thì ở mức độ nào? Phải xử lý minh bạch, công khai, nghiêm khắc để làm gương cho các tập đoàn khác, và vực dậy nền kinh tế nước nhà.

QUANG QUỲNH (Tỉnh Đoàn Quảng Nam)

  • Cần phát huy việc giám sát độc lập về tài chính

Qua kết quả thanh tra, cho thấy EVN chưa thực sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn, cũng như chưa minh bạch trong việc tính toán giá thành và giá bán điện. Hậu quả là giá điện liên tục tăng, gây khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp. Trong khi đó, lẽ ra với vai trò là doanh nghiệp nhà nước cung cấp điện có quy mô lớn nhất (gần như độc quyền) thì yếu tố phục vụ phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải chỉ có hạch toán lỗ lãi bằng cách “móc túi” khách hàng.

Đây có thể coi là một thực tế của không ít doanh nghiệp nhà nước. Đó là hiện tượng thiếu minh bạch trong việc đầu tư, tính toán giá bán và giá thành, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chi lương - thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động… Cũng vì vậy mà cách nay ít lâu, chính EVN đã đầu tư dàn trải đến độ thua lỗ nhiều lĩnh vực, từ đó tác động đến việc tăng giá điện trong khi lương thưởng của lãnh đạo và nhân viên tập đoàn lại ở mức cao.

Một số doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên - về danh nghĩa là khai thác tài nguyên phục vụ phát triển đất nước - nhưng thực tế là bán tài sản chung của đất nước - và chi lương thưởng ở mức cao cho lãnh đạo và người lao động. Còn một số doanh nghiệp công ích của TPHCM trong lúc vẫn đang dùng vốn ngân sách nhưng lại chi lương “khủng” cho lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời tìm nhiều cách để trả lương cho người lao động ở mức thấp.

Để khắc phục tình trạng này, bản thân các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, quy mô sản xuất - kinh doanh, tính giá thành và giá bán, chi lương - thưởng…, sao cho đảm bảo các nguồn vốn từ ngân sách phải được sử dụng đúng quy định, nhằm phục vụ tích cực cho nhân dân. Việc đầu tư ngoài lĩnh vực, chi thưởng… phải dựa theo hiệu quả sản xuất - kinh doanh chứ không được tùy tiện.

Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, ngành chủ quản cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót. Đồng thời, cần phát huy các tổ chức giám sát độc lập về tài chính, về thuế, về đầu tư… để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng sai phạm. Chẳng hạn, nếu có các thiết chế giám sát hiệu quả, có thể sớm phát hiện hoạt động thua lỗ (và sai phạm) của Vinashin, Vinalines, từ đó sớm có những chấn chỉnh, không đến nỗi gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước như đã diễn ra.

Ngoài ra, khi huy động vốn (vay, bán cổ phần, trái phiếu…) có sự bảo lãnh của nhà nước thì chỉ nên dựa vào năng lực thực tế của doanh nghiệp, không vì là doanh nghiệp nhà nước mà “dựa” vào nhà nước, có thể dẫn đến tình huống nhà nước phải dùng ngân sách “giải cứu” doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, do sai lầm của cá nhân…

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục