Diễn đàn “Xúc tiến thương mại và đầu tư: kinh nghiệm và kiến nghị”

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận các nguồn vốn

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận các nguồn vốn

Không phải đợi đến thời điểm này HTX Ba Nhất mới đi làm xúc tiến thương mại mà ngay từ năm 1986, bản thân tôi đã lặn lội ở hầu hết các nước có thế mạnh về mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ra đi rồi mới vỡ lẽ, sản phẩm của ta làm quá đơn điệu (vì làm để xuất theo nghị định thư và theo mẫu của các nước gửi đến), giá bán lại cao, không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Điều này có thể lý giải tại sao Ba Nhất không rơi vào tình trạng phá sản như hàng trăm, hàng ngàn HTX khác trên cả nước khi chúng ta thực hiện nền kinh tế mở. Thực tế còn cho thấy, xu hướng tiêu dùng trên thế giới liên tục thay đổi. Nếu chỉ làm ra những mặt hàng đơn thuần từ một nguyên liệu như mây, tre… mà không có sự đan xen, kết hợp với nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng thì coi như chào thua!

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận các nguồn vốn ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất (đứng) phát biểu tại Hội thảo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại – đầu tư do CLB Doanh nghiệp và Báo SGGP tổ chức. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, gần đây Ba Nhất đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, về mặt bằng và cả đầu ra. Về vốn, nhà nước ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi để phát triển các HTX nhưng đến thời điểm này mới chỉ… nằm trên giấy! Từ ngày thành lập đến nay (tháng 10-1976), Ba Nhất chưa nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía Nhà nước. Trước khó khăn, Ba Nhất phải vận động các đối tác cho ứng trước 30% vốn bằng tiền mặt, nhưng khi đưa vào ngân hàng thì lại bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp!?

Về nguyên liệu, Ba Nhất sử dụng các loại phế phẩm từ nông nghiệp như bẹ chuối, lục bình, lông gà, lông vịt, mây, tre, lá… Mấy năm trước, ngành thuế đòi hỏi phải làm bảng kê đầu vào. Đến năm 2003-2004 thì lại yêu cầu phải có hóa đơn xanh (trong khi ngành thuế quận Bình Thạnh thì lại không triển khai vấn đề này?).

Đến ngày 1-10-2005, ngành thuế lại bắt HTX làm bảng kê trở lại. Chính sự nhùng nhằng, thay đổi chính sách liên tục này đã khiến Ba Nhất bị truy thu thuế trong suốt 5 năm qua với tổng số tiền lên tới 5 tỷ đồng. Với sản phẩm làm bằng nguyên liệu là rác, phế liệu bỏ đi thì HTX lấy đâu ra tiền mà trả nợ!

HTX Ba Nhất đi lên từ một tổ hợp tác, rồi lên HTX và nay là HTX bậc cao, số lao động đang làm việc tại HTX từ trước đến nay cũng khá đặc thù, đó là dân nhập cư, những đứa trẻ lang thang mồ côi, lao động từ các trại cai nghiện… Trong suốt cuộc đời gắn với nghề mây tre đan, gắn với sự tồn tại và phát triển của HTX, chưa bao giờ tôi cảm thấy bị bế tắc như thời điểm này. Nếu Nhà nước không quan tâm đúng mức, không tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn thì Ba Nhất chỉ còn một con đường duy nhất là phá sản!

Nguyễn Thị Cúc (Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất)

Tin cùng chuyên mục