Làm sao để đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu, gỡ rối cho doanh nghiệp (DN) là những vấn đề được đem ra mổ xẻ tại hội thảo diễn ra ngày 23-9 tại TPHCM, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức.
Một cây linh lăng, hai cục kiểm tra
Theo ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, các thủ tục kiểm dịch hiện nay khá phiền hà, như đối với loại cỏ linh lăng làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, phải qua kiểm tra của hai cục mới được cấp chứng nhận, gồm Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đơn giản thủ tục, một cục cấp chứng nhận là được. Ngoài ra, nguyên liệu sữa bột nhập khẩu chế biến qua nhiệt được đóng gói sẵn, kinh qua nhiều công đoạn kiểm tra khắt khe thì không cần thiết phải kiểm dịch. Cần có sự thừa nhận lẫn nhau kết quả của các cơ quan kiểm tra, tập trung công tác hậu kiểm.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, nhà nước nên kiểm dịch chặt hàng nhập khẩu, ưu tiên kiểm dịch đối với hàng xuất khẩu nhằm khuyến khích xuất khẩu. Ông Giang dẫn chứng, để có được một chứng thư, DN mất 4 ngày, tới cơ quan kiểm dịch 3 lần. Nên chăng cấp chứng thư điện tử, nối mạng với cơ quan Hải quan để DN dễ dàng thông quan hàng hóa.
Công ty TNHH Dakman Việt Nam (trụ sở tại Đắk Lắk), chuyên xuất khẩu cà phê, cũng chia sẻ: Vừa qua, cơ quan Hải quan đã triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia), trong vòng 5 giây sau khi truyền tờ khai, DN có tờ khai hải quan xuất khẩu hàng. Thế nhưng, từ đầu năm 2015 đến nay, do yêu cầu kiểm dịch thực vật, cơ quan Hải quan yêu cầu DN xuất trình đơn xin kiểm dịch thực vật, khiến DN không được hưởng luồng xanh mà phải chuyển sang luồng vàng. Chưa kể thực trạng, khi đến cơ quan kiểm dịch thực vật, DN phải chen lấn xếp hàng vất vả. DN đề xuất nhà nước nên cấp chứng thư qua mạng cho thuận tiện.
Giảm phiền hà, đơn giản hóa thủ tục
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng tờ khai kiểm dịch 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh so với năm 2014. Cụ thể, số lượng tờ khai phải kiểm dịch là 75.812 tờ, chiếm gần 4% tổng số tờ khai đăng ký. Thế nhưng, cả nước hiện chỉ có 300 kiểm dịch viên, được bố trí tại 57 trạm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu quốc tế. Thêm nữa, hệ thống máy móc kiểm dịch, trang thiết bị kiểm tra… vừa thiếu, vừa yếu, nên quy trình kiểm tra có khi phải thực hiện thủ công (lấy mẫu gửi về tuyến sau kiểm tra).
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thừa nhận DN nước ta đang khổ với hàng loạt quy định, thủ tục kiểm dịch. Đó là vừa buộc phải tuân thủ luật chơi quốc tế, lại phải đảm bảo luật chơi trong nước. Nhiều DN chia sẻ, họ phải bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm chỉ để đáp ứng các thủ tục về giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan kiểm dịch, trong khi phía đối tác không yêu cầu. Thậm chí, DN nước ngoài cũng nói thẳng sẽ không làm ăn với DN Việt Nam nếu tình trạng phiền hà này kéo dài.
Từ góc độ ngành hải quan, ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TPHCM,
nói: Không chỉ DN gặp khó, chính Hải quan cũng gặp khó trong việc thực thi các quy định. Cụ thể, khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan mới thông quan. Nếu hàng để tại cửa khẩu chờ kết quả kiểm tra, ít nhất cũng 7 ngày, gây ách tắc tại cửa khẩu; nhưng ngược lại, nếu để DN đem về tự bảo quản, bắt buộc cơ quan Hải quan phải theo dõi, đảm bảo hoàn tất hồ sơ.
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh: Toàn bộ những kiến nghị, góp ý của DN đều được ghi nhận, xem xét. Trên thực tế, Luật Kiểm dịch có hiệu lực từ 1-1-2015 đã giảm giấy tờ từ 8 loại xuống 3 loại đối với hàng nhập khẩu, từ 6 loại xuống 3 loại đối với hàng xuất khẩu, bỏ rất nhiều loại phí. Hàng năm, phía cục đều nhận được khoảng 400 thông báo hàng xuất khẩu không đạt yêu cầu về kiểm dịch, nên nếu làm không tốt việc kiểm dịch trong nước sẽ có nguy cơ mất thị trường. Tuy vậy, trong quá trình thực thi không thể tránh khỏi thiếu sót. Cục xin tiếp thu các góp ý, rà soát nhằm loại bỏ các quy định không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
THI HỒNG