Ngày 30-10, Bộ GTVT đã có cuộc làm việc chính thức với các đơn vị viễn thông nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải sau khi cước 3G phục vụ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đột ngột tăng giá. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, cho biết, CSGT chưa phạt bất kỳ nhà xe hay doanh nghiệp (DN) vận tải nào sai phạm vì hộp đen “tê liệt” do cước 3G tăng cao.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Viễn thông Viettel, đơn vị chiếm tới 70% thị phần cung cấp sim 3G cho thiết bị GSHT, cho biết thiết bị GSHT như Vi-tracking không bị điều chỉnh giá. Tuy nhiên, ông Tạ Quang Thuận, đại diện Chi hội các DN cung cấp thiết bị GSHT cho biết, gói cước chuyên biệt Vi-tracking của Viettel không tăng trong đợt này nhưng so với các gói cước như Mi10, Laptop Easy vẫn đắt hơn. Bên cạnh đó, sim sử dụng gói cước Vi-tracking chỉ gắn được vào thiết bị GSHT do Viettel cung cấp nên thực tế rất ít DN sử dụng gói cước này.
Cũng theo ông Thuận, cách tính cước mới của Viettel, mỗi một đầu xe sẽ phải trả cho nhà mạng mỗi tháng khoảng 100.000 đồng thay vì ở mức từ 10 đến 25.000 đồng như trước đây, tương đương khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/năm/xe. Như vậy, những DN có số lượng đầu xe lớn sẽ phải chịu chi phí hàng trăm triệu đồng/năm.
Trong khi đó, Mobifone đã cung cấp các gói cước phù hợp với ngành vận tải, các DN có thể ký hợp đồng dùng thử, gói cước nào phù hợp sẽ lựa chọn. Đại diện các nhà sản xuất hộp đen cũng cho biết từ ngày 14-10-2013, Mobifone đã đưa ra gói cước 3G cho hộp đen phù hợp với các DN vận tải, hiện một số nhà cung cấp hộp đen đã chuyển sang sử dụng gói cước này. Vinaphone cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các DN vận tải.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Viễn thông yêu cầu, trong gói cước mới các DN viễn thông phải bóc tách rõ ràng giữa dịch vụ và hàng hóa. Nghĩa là sim phải gắn được vào mọi thiết bị GSHT để các nhà cung cấp đều có thể sử dụng được. Ông Trung cũng cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu kiểm tra tất cả các sim hiện đang dùng trong các thiết bị GSHT có đúng đăng ký hay không, nếu sai chúng tôi sẽ buộc ngừng sử dụng vì liên quan đến vấn đề an ninh.
BÍCH QUYÊN