Doanh nghiệp vượt khó thời khủng hoảng - Bài 2: Chính sách linh hoạt, hợp lý

Để có thể tồn tại trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực với những sáng kiến đột phá, góp phần giữ ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, trong điều hành chính sách quản lý nhà nước cần linh hoạt, sát thực tế hơn để tạo ra cầu nối giúp DN “vượt cạn” và phát triển trở lại.

        Xây dựng chiến lược đột phá

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, việc chi hàng chục tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua tăng thấp để thay đổi bộ nhận diện mới cho thương hiệu Co.opMart là vấn đề không đơn giản đối với một DN bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng niềm tin và chinh phục trái tim người tiêu dùng, không còn cách nào khác, Saigon Co.op phải làm mới thương hiệu của mình theo hướng ngày càng tươi trẻ, tránh sự nhàm chán trong mắt người tiêu dùng hiện đại.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng, để ngành vật liệu xây dựng vượt qua cơn bão khủng hoảng hiện nay, các DN cần đa dạng giải pháp trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung ứng dụng thành tựu khoa học để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mặt hàng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, luôn duy trì những giải pháp căn cơ, dài hạn như tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản xuất; tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, lao động, sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường; không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xây dựng thông thường vì hiện nay các mặt hàng này đã đủ để cung cấp cho thị trường đến năm 2015.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, DN nói chung và ngành cơ khí nói riêng nên chủ động tái cấu trúc để hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh có đủ sức mạnh về tài chính, nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến, quản lý sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết được nợ xấu. Cải tiến công tác kinh doanh, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước.

Trên thực tế, trong bối cảnh khủng hoảng, các DN sản xuất kinh doanh có thể áp dụng các giải pháp khác nhau để vượt khó. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, cần xem xét mua bán sáp nhập DN (M&A). Các DN cùng ngành, cùng chuỗi giá trị có thể sáp nhập để tạo thêm giá trị cạnh tranh. Không loại trừ khả năng bán lại DN nếu thấy không còn phù hợp. “Đây là lúc các lãnh đạo cần chứng minh giá trị, bản lĩnh và tư duy dẫn dắt của mình đối với nhân viên, DN”, ông Hải nhấn mạnh.

        Tạo chính sách phù hợp

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kinh tế VN năm 2013 sẽ còn tiếp tục khó khăn, do vậy phần lớn DN có xu hướng giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh. Con số DN dự kiến có thể ngừng hoạt động hoặc đóng cửa giải thể rơi vào khoảng 1%. Thực trạng số DN đăng ký với quy mô ngày càng nhỏ đi. Trước tình hình này, các DN đang phải áp dụng biện pháp tự cứu mình bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, chỉ những nỗ lực tự thân của DN không thôi thì chưa đủ. Nhà nước cần có cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa, cần tăng cường hơn nữa các chính sách trợ giúp, khởi sự DN để mỗi đồng vốn và sức lao động của doanh nhân bỏ ra được sinh sôi nảy nở. Các giải pháp kinh tế vĩ mô phải luôn đồng hành với việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp, đảm bảo cung cầu, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý…

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cần thực hiện chủ động và tích cực hơn. Đối với việc xúc tiến thương mại trong nước, các ban ngành nên chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với quận, huyện. Trên cơ sở đó, giúp các DN nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin, tham gia nhiều và thường xuyên hơn các phiên chợ hàng Việt. Bên cạnh việc giúp các DN quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, đưa hàng hóa chất lượng, giá thành hợp lý mang thương hiệu Việt đến tận tay người tiêu dùng. Đối với công tác xúc tiến thương mại hàng trong nước tại nước ngoài, phải tập trung thực hiện tại các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn, có nhiều tiềm năng như: Myanmar, Lào, Campuchia. Đồng thời, tăng cường xúc tiến các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và tìm kiếm thị trường mới để có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho hàng hóa trong nước. Qua đó, giúp DN có những định hướng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường trong nước và thế giới.

"Giải pháp tổng thể hiện nay là tái cấu trúc DN. Trong đó, DN nên xác định đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và đánh giá xem với lợi thế cạnh tranh đó có tiếp tục phát triển được hay không"

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải

THÚY HẢI - LẠC PHONG

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Tạo sản phẩm khác biệt 

Tin cùng chuyên mục