Doanh nhân hóa nông dân

Có thể nói, do kinh tế hợp tác chưa phát triển nên nông hộ nhỏ khó tiếp cận thông tin thị trường, dẫn đến tình trạng yếu thế trong cạnh tranh, ít tiếp cận khoa học công nghệ, thiệt thòi trong kinh tế thị trường. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa mới có thể phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, quy mô lớn; bao gồm cả khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông; mở thêm ngành nghề khác trong nông thôn là yêu cầu bức thiết. Trí thức hóa và doanh nhân hóa nông dân cũng là điều phải hướng tới.

Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) phát huy những giá trị bước đầu nhưng để nhân rộng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, trong đó có kinh tế hợp tác. Điểm yếu cốt tử của việc xây dựng CĐL là tình trạng sản xuất manh mún của các nông hộ nhỏ. Vậy nên, việc liên kết các nông hộ với DN để xây dựng CĐL cần phải hình thành các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) với chính sách ưu đãi, khả thi để thu hút nông dân tự nguyện tham gia. Đây mới là tổ chức đại diện cho nông dân khi liên kết, hợp tác với DN hình thành CĐL và đảm nhận một số dịch vụ để có thêm nguồn thu; bao gồm việc sấy, vận chuyển nông sản về nhà máy thay cho thương lái. Đó cũng là dịch vụ để HTXNN đa dạng hơn trong hoạt động.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, cả nước có trên 18.000 HTX và khoảng 146.700 tổ hợp tác với 13,5 triệu thành viên, tổ viên; trong đó gần 10.400 HTXNN, 10% trong số này làm ăn hiệu quả và chỉ 9% HTX tiêu thụ sản phẩm của nông dân, khoảng 60% - 70% HTXNN hoạt động cầm chừng, còn lại 20% - 30% đã ngừng hoạt động. Với quy mô nhỏ, phương thức hoạt động lạc hậu, HTX không thể đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Mặc dù chính sách hỗ trợ đã được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng HTXNN gần như chưa thể tiếp cận hoặc không được thụ hưởng chính sách.

Theo Luật HTX sửa đổi, HTXNN có thể xem là DN của nông dân, nhưng trong nông dân bao nhiêu người có khả năng đứng ra thành lập DN là vấn đề cần đặt ra. Nguồn nhân lực không đảm bảo cùng với việc chưa nhận thức đúng, đủ về HTX, chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai hỗ trợ, chưa có nguồn lực đủ lớn và tập trung để hỗ trợ HTX... là những vấn đề tại sao HTXNN vẫn yếu kém, không phát triển như mong muốn. “Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển HTX theo Luật HTX, Nghị định hướng dẫn cho năm 2016 và 5 năm 2016-2020 hầu như không có nên sẽ khó khăn trong việc phát triển HTX một cách bền vững”, đó là nhận định của Vụ Hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Để việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ khu vực HTX hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ phải có một khoản kinh phí dành riêng để hỗ trợ cho khu vực này. Ngoài ra, kế hoạch hỗ trợ hàng năm cho khu vực HTX từ nguồn kinh phí sự nghiệp cần tiếp tục duy trì, gồm các nội dung hỗ trợ như: bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động hợp tác xã; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm...

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục