Sáng 5-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp lần thứ 6 với lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn TPHCM về di dời các trường đại học (ĐH) trong nội thành ra các khu quy hoạch tập trung (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Hầu hết các ý kiến ủng hộ chủ trương nhưng lại có không ít tâm tư…
- 2 phương án hỗ trợ di dời
| |
Tại cuộc họp lần này, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đưa ra 2 phương án cơ chế tài chính thực hiện thí điểm di dời các trường ĐH ra khu đô thị Tây Bắc TP.
Trong đó, phương án 1 sẽ lựa chọn một đơn vị có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và xin Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định đơn vị này đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng hạ tầng) cho cả khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng (250ha).
Sau khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, căn cứ nhu cầu sử dụng đất của mình, các trường sẽ thuê đất hoặc nhận giao lại đất từ đơn vị đã đầu tư kinh doanh hạ tầng. Các trường sẽ trả các chi phí đầu tư hạ tầng (kể cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) và một khoản lãi định mức cho đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Phương án 2 là căn cứ danh sách các trường dự định thực hiện thí điểm di dời vào khu đô thị Tây Bắc, các sở - ngành có liên quan xác định tổng nhu cầu sử dụng đất của các trường này, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 2/2.000 của khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng các trường ĐH và CĐ, qua đó xác định vị trí đầu tư cụ thể của từng trường dự kiến di dời. Nhà trường sẽ ứng vốn để xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ cơ sở vật chất mới ở Khu đô thị Tây Bắc theo yêu cầu của nhà trường và theo quy hoạch, dự án được duyệt.
Sau khi xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho trường theo dự án được duyệt tại Khu đô thị Tây Bắc, nhà đầu tư được mua chỉ định mặt bằng cũ theo giá thị trường để khai thác nhằm thu hồi vốn đầu tư… Đặc biệt, TP chấp thuận chủ trương cho các trường này được hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu với tổng mức vốn vay được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay tối đa 300 tỷ đồng/trường, thời gian cấp bù lãi vay tối đa 3 năm.
- Cần vốn và lộ trình
Hầu hết lãnh đạo các trường đều ủng hộ chủ trương di dời các trường ĐH ra khỏi khu vực nội thành nhưng còn khá nhiều băn khoăn. Ông Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM bày tỏ tâm tư: “Lẽ ra trường ĐH phải khang trang, tọa lạc nơi yên tĩnh để sinh viên có không gian tư duy, suy nghĩ. Trong khi đó, hầu hết khu vực quanh các trường ĐH hiện nay là quán nhậu. Sinh viên bước khỏi cổng trường toàn nghe mùi bia rượu nên tôi tán đồng việc di dời, tạo cơ sở vật chất khang trang cho trường”. Thế nhưng, ông Lâm lo lắng: Hầu hết các trường ĐH hiện nay đều khó khăn về nguồn thu, nếu đầu tư trường lớp quá đẹp, quá tiện nghi không biết trường lấy đâu ra tiền để trang trải các chi phí.
Đại diện ĐH Quốc gia TPHCM nêu ý kiến: Ban chỉ đạo về phương án thí điểm di dời các trường ĐH trong nội thành cần nghiên cứu kỹ, trong đề án nghiên cứu khả thi cần lấy ý kiến đóng góp sâu sắc của các trường, việc thực hiện phải có lộ trình. Trong khi đó, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, lo lắng: “Việc di dời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nguồn nhân lực cho TP. Bởi lẽ, trong tổng số 15.000 sinh viên Trường ĐH Luật thì 10.000 người là đào tạo sau ĐH, học văn bằng hai. Trong số họ rất nhiều công chức, cán bộ chủ chốt của TP phải học vào buổi tối nên nếu chuyển toàn bộ 100% cơ sở ra ngoại thành thì chúng tôi rất lo ngại. Trong nội thành nên để lại một phần cơ sở của trường”.
Đồng tình với ý kiến bà Quỳ, ông Trương Ngọc Ẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP, phân tích thêm: “Khác với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời 100% ra khu tập trung, trường ĐH là cơ sở đào tạo có hàm lượng chất xám cao nên cũng là bộ mặt của một trung tâm kinh tế - khoa học - xã hội lớn của đất nước”. Ông Ẩn cũng đặt nặng vấn đề công tác quy hoạch. Ông cho rằng vấn đề quy hoạch đô thị phải mang tính đồng bộ, nếu quy hoạch tốt khu vực vùng ven với đầy đủ cơ sở vật chất, có hệ thống giao thông được kết nối với khu vực trung tâm, đảm bảo các dịch vụ phục vụ cho đời sống người dân như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… thì “sống ở vùng ven vẫn tốt hơn, các thầy cô sẽ sẵn sàng ra ngoại thành sinh sống, làm việc”.
Về phương án Sở KH-ĐT trình bày, theo hướng giải quyết cho các trường vay 300 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu, ông Ẩn cho rằng nên kéo dài thời hạn cho vay 7 năm thay vì 3 năm.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TPHCM, kiến nghị TP cho giữ lại một phần cơ sở của các trường ĐH để làm công tác quốc tế, giảng dạy sau đại học… cũng như việc di dời cần có lộ trình phù hợp là đề xuất chính đáng nên đề nghị UBND TPHCM quan tâm, xem xét. Tuy nhiên, ông Đỗ Quốc Anh cũng cho rằng, đã gần 4 năm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về di dời các trường ĐH ra khu quy hoạch tập trung, đến nay chủ trương vẫn còn nằm trên giấy là quá chậm. “Lộ trình di dời nên đặt trên cơ sở sự phát triển chung của TP”, ông Quốc Anh nhấn mạnh
VÂN ANH