Sự thật đang diễn ra là không ít tân cử nhân ngành sư phạm Anh, ngôn ngữ Anh mới tốt nghiệp và cầm tấm bằng B2, đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), nhưng không thể chen chân tìm một chỗ dạy ở các trường THPT.
Câu chuyện bi hài này còn kéo dài đến bao giờ trong khi nhiều trường phổ thông đang than thở thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn? Đó là chưa kể ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho hàng chục ngàn giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng kết quả thu về rất thấp. Điều đáng nói khác là nhiều giáo viên lớn tuổi, có thâm niên dạy học cảm thấy “bị hụt hơi, bị tra tấn” khi phải đi học nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn, nhất là kỹ năng nghe, nói.
Giờ học tiếng Anh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi TPHCM
Đến nay, con số buồn về tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn chỉ chiếm trên dưới 10% trong cả nước cho thấy những nỗ lực cải thiện, nâng cao năng lực của đội ngũ này còn xa mới chạm chuẩn yêu cầu. Và dù trầy trật mới chạm tay vào gần chuẩn theo yêu cầu thì một bộ phận thầy cô vốn là hệ quả đào tạo theo kiểu cũ, thiếu hụt kỹ năng nghe - nói theo chuẩn quốc tế cũng không thể làm tròn trách nhiệm, mang đến những tiết học tiếng Anh hấp dẫn. Chính vì thế, để hành trình học ngoại ngữ của học sinh các cấp đạt hiệu quả, rất cần ngành GD-ĐT các địa phương thay đổi tư duy, dám đầu tư tuyển chọn đội ngũ giáo viên đạt chuẩn như yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Không chỉ yêu cầu giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt chuẩn, cần có quy định kiểm tra trình độ định kỳ và phân loại giáo viên tiếng Anh như kiểu thi nâng bậc. Từ đó có chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực của từng người, khuyến khích người giỏi cống hiến cho nghề trồng người.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là giáo viên tiếng Anh phổ thông ở nhiều tỉnh thành không chịu học thêm, nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng nghe - nói vì tiền lương vẫn trả cào bằng. Nhiều ý kiến than thở: Dạy giỏi hay dạy dở cũng lãnh mức lương như nhau! Thậm chí, những giáo viên dù không đạt chuẩn, dù dạy dở cũng không bị xem xét cho nghỉ việc, nhường chỗ dạy học cho giáo viên trẻ mới ra trường, có bằng cấp đạt chuẩn. Sự bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều giáo viên trẻ phải nỗ lực tự học, tự đầu tư nâng cao năng lực ngoại ngữ tiếng Anh và lấy được bằng B1, B2 tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu nhưng mức lương cũng không được tăng hơn. Thực tế bất công này đang khiến nhiều giáo viên phổ thông nản lòng, thậm chí cởi bỏ chiếc áo sư phạm để tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn.
Như thế, để tạo sự đổi mới trong dạy và học tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT thì từng địa phương cần có chính sách phù hợp thu hút, tuyển chọn giáo viên giỏi, đạt chuẩn về năng lực, kỹ năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường giao tiếp, thực hành bằng tiếng Anh chuẩn cho học sinh thông qua việc tuyển chọn giáo viên bản ngữ ở các trường học. Nếu không có chiến lược bài bản, tạo ra cuộc cách mạng trong dạy và học tiếng Anh theo chuẩn thì chúng ta không thể mong đợi học sinh tốt nghiệp THPT có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Và thiếu hành trang ngoại ngữ tiếng Anh thì giới trẻ Việt Nam làm sao có thể hội nhập khu vực và môi trường làm việc đa văn hóa ở thế kỷ 21?.
HÀ KHANH