Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đối mặt với nhiều khó khăn

Đối mặt với nhiều khó khăn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ phát triển thế nào khi Việt Nam gia nhập WTO? Đây là một nỗi lo và vì thế, nhiều chương trình hỗ trợ đang được triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh.

  • Quản lý không theo kịp quy mô phát triển

Đối mặt với nhiều khó khăn ảnh 1
Công ty thủ công mỹ nghệ Lạc Phương Nam (Thủ Đức) sản xuất hàng sơn mài xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Các DNNVV có thể tìm thấy sự hỗ trợ từ phía các quỹ tài chính của nhà nước và các tổ chức tài chính quốc tế. Nhằm khắc phục khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các DNNVV, tại nhiều địa phương đã hình thành quỹ tín dụng.

Thông tin mới nhất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang hướng dẫn các chi nhánh góp vốn vào quỹ này tại các địa phương, với cam kết sẽ xem xét tham gia góp vốn tại 4 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Yên Bái mỗi quỹ 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin này, phần lớn các DNNVV không mấy hào hứng. Vì theo các doanh nghiệp, để tiêu hóa được số vốn đầu tư và làm sao nâng cao khả năng cạnh tranh là một việc hết sức khó khăn do quy định thủ tục vay vốn và nội lực của DNNVV yếu kém.

Trong một thời gian dài trước đây, chính sách của nhà nước đã không khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển vì vậy các doanh nghiệp tồn tại trong quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước dưới dạng nhu yếu phẩm, có gì xài nấy. Những năm qua nhờ chính sách đổi mới khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển, TPHCM có nhiều biện pháp trợ giúp các DNNVV đã tạo nên sinh khí mới cho kinh tế thành phố và cả nước.

Tuy nhiên, gần đây do yêu cầu di dời hàng loạt cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong nội thành, nhiều cơ sở phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Tuy có những chính sách trợ giúp cụ thể, nhưng do nội lực yếu nên doanh nghiệp không thể nhanh chóng đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, đầu tư thiết bị và công nghệ mới để tạo chuyển biến tích cực về chất lượng sản phẩm.

Một cảnh báo đối với DNNVV là công tác quản trị doanh nghiệp còn quá yếu kém. Không chỉ thiếu năng lực quản lý, các nguồn thông tin cần thiết về các chính sách mới của chính quyền, thông tin sản phẩm và thị trường đến những quy tắc chung khi hội nhập đều thiếu. Sự điều chỉnh năng lực quản lý trong thời gian qua chưa phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp là một điểm yếu lớn khi bước vào hội nhập kinh tế thế giới. Với quy mô nhỏ, nhà quản lý có thể nắm vững doanh nghiệp của mìmh, nhưng khi có điều kiện tích lũy để phát triển lên quy mô lớn hơn thì đội ngũ quản trị doanh nghiệp đã không thể điều hành tốt công việc.

Câu chuyện về một doanh nghiệp sản xuất tập vở có thương hiệu nổi tiếng nhất nước, đang ăn nên làm ra nên tự tin đầu tư dây chuyền xeo giấy đểâ lãnh hậu quả đối đầu trước nguy cơ phá sản là một điển hình. Doanh nghiệp này khi chỉ làm khâu xén kẻ và đóng tập thì làm ăn rất tốt nhờ có thể chủ động lựa chọn loại giấy tốt nhất, được mua hàng trả chậm, không tốn kho tàng dự trữ nguyên liệu do các nhà cung cấp giấy phải chở đến nơi khi có yêu cầu. Thế nhưng, khi đầu tư sản xuất giấy, do không làm chủ được công nghệ, giấy sản xuất ra chất lượng không ổn định, nên chất lượng tập vở của doanh nghiệp bị giảm sút. Kết quả là hàng tồn kho nhiều, uy tín doanh nghiệp giảm, ngân hàng đã niêm phong dây chuyền thiết bị và phải thanh lý cả dây chuyền. Bài học này không riêng ở ngành giấy.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhận định, quả thật quy mô doanh nghiệp công nghiệp của TP Hồ Chí Minh còn rất nhỏ, trong thời gian qua chưa được đổi mới công nghệ và mở rộng năng lực một cách thỏa đáng nên khả năng cạnh tranh trong thời gian tới chắc chắn khó khăn. Ông tỏ ra lo lắng trước thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong một lĩnh vực hẹp, cơ sở mua bán quen biết sẵn có và kinh doanh trên sự tin cậy (bán gối đầu hàng hóa), do vậy khi phải tuân thủ hàng loạt sự điều chỉnh của pháp luật, mua bán theo hợp đồng, hệ thống sổ sách theo thông lệ quốc tế, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như bị phạt khi không giao hàng đúng hạn, bị kiện bán phá giá.

  • Cần được tiếp tục trợ giúp

Đối mặt với nhiều khó khăn ảnh 2
Hàng ngàn lao động có việc làm tại các cơ sở sản xuất hàng mây tre xuất khẩu ở Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

Vấn đề là thời gian hội nhập với kinh tế không còn nhiều, làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV trong thời gian ngắn nhất mà mang lại hiệu quả nhất. Hiện nay, ngoài việc tăng cường các nguồn quỹ tín dụng giúp DNNVV đổi mới công nghệ và thiết bị, vay vốn cho các đơn hàng sản xuất kinh doanh, các hoạt động trợ giúp khác cũng rất cần thiết. Theo các doanh nghiệp, họ đang rất cần được trợ giúp thông tin về thị trường, liên kết trong việc xúc tiến quảng bá thương hiệu và sản phẩm…

Có thể ghi nhận, trong thời gian gần đây các ngành chức năng, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực trợ giúp phát triển DNNVV tại Việt Nam. Mới đây, Cơ quan Phát triển Na Uy (NORAD) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) vừa ký thỏa thuận cung cấp trợ giúp kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. NORAL sẽ đóng góp 626.000 USD cho dự án này với sự cộng tác của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 7-2006 đến tháng 3-2007.

TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp đồng bộ đối với DNNVV. Đó là các hoạt động trợ giúp từ Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư (ITPC) trong thông tin, tổ chức các khóa đào tạo và huấn luyện quản trị doanh nghiệp. Lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn vướng mắc và tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời; đầu tư các cụm công nghiệp và làng nghề trợ giúp công tác di dời và phát triển công nghiệp phụ trợ; xây dựng cổng giao dịch điện tử dành cho DNNVV giới thiệu sản phẩm, thực hành kinh doanh trên mạng để giảm các chi phí và tiếp cận thị trường tốt nhất…

Các biện pháp trợ giúp này là cần thiết, nhưng vấn đề còn lại chính là làm thế nào để các DNNVV tiếp cận được các thông tin về những chính sách trợ giúp này. Ở đây vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp trở nên rất quan trọng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng 3 - 3,5 triệu cơ sở sản xuất-kinh doanh nhỏ, có tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm.

Trong giai đoạn 2001-2005, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ đã tạo việc làm cho hơn 5 triệu người, bình quân đã giải quyết công việc cho 250.000 lao động mới/năm, chủ yếu là lao động không có trình độ chuyên môn, lao động dôi dư từ các khu vực khác… Giá trị hàng hóa do các doanh nghiệp này làm ra chiếm 18% GDP của cả nước.

Nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam gia nhập WTO, đây là thành phần kinh tế dễ bị tác động lớn nhất do khả năng cạnh tranh yếu, có thể bị phá sản nhiều nhất.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục