Sáng 7-1, Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp cùng Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI”. Tham dự hội thảo có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; GS-TS Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cùng nhiều đồng chí đại diện cho các sở, ngành trên địa bàn TP.
Đổi mới bắt đầu từ cơ chế quản lý
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ: “Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra rằng, chất lượng, hiệu quả giáo dục hiện nay còn thấp so với yêu cầu, nhất là đối với giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp. Đây là một băn khoăn, trăn trở, đồng thời là một áp lực lớn đối với TP. Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng các trường ĐH, CĐ tăng lên khá nhiều, đòi hỏi phải hình thành một cơ chế quản lý và phương thức quản lý phù hợp”. Trong khi giáo dục ĐH ở nhiều quốc gia trên thế giới đã giảm tính bao cấp, tăng dần tỷ lệ chia sẻ chi phí đào tạo của người học và xã hội. Tỷ trọng đầu tư công ở bậc ĐH luôn thấp hơn đầu tư công ở các bậc giáo dục phổ thông. Trong đó, giáo dục ĐH được xem là lĩnh vực mang tính hàng hóa - dịch vụ, tiếp cận cơ chế thị trường sâu rộng hơn các bậc học còn lại. Nhưng ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho sự vận động, hình thành và phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Do đó, theo GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH phải tập trung vào 3 vấn đề mấu chốt. Đó là khắc phục tình trạng khép kín của cả hệ thống giáo dục, từng bước mềm hóa và linh hoạt hóa mô hình tổ chức và phương thức vận hành của các trường ĐH, khẩn trương xóa bỏ sự chia cắt, biệt lập về nội dung chương trình đào tạo giữa các trường, phát huy tối đa sự liên thông, liên kết giữa các bậc học. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, kết hợp có hiệu quả vai trò của các yếu tố “công” và “tư”, sử dụng và phát huy có hiệu quả những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, chuyển đổi từ hình thức quản lý tập trung sang quản lý phân cấp, đảm bảo tốt hơn công bằng và bình đẳng xã hội. Riêng vấn đề thể chế tài chính trong giáo dục, GS-TS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội), kiến nghị: “Cơ chế cấp phát kinh phí bình quân hiện nay cần được thay đổi sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo suất đầu tư trên mỗi người học tương ứng với chất lượng, phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo”.
Băn khoăn tự chủ
Cũng theo Nghị quyết Trung ương 8, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo ra đột phá về chất lượng giáo dục là “tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục”. PGS-TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho biết: “Thông qua các văn bản pháp quy của Nhà nước, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học ra đời năm 2012, các trường ĐH đã từng bước được trao quyền tự chủ. Tuy nhiên trên thực tế, quyền tự chủ này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ như trong quy định do sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước”. Chẳng hạn, theo luật, các trường ĐH được tự chủ về đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT lại quy định về điều kiện, thủ tục mở ngành. Hay trường hợp một số trường ĐH được Nhà nước trao quyền tự chủ về tài chính nhưng nguồn thu học phí phải tuân thủ Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, ngân sách chi cho các trường ĐH phải tuân thủ theo các luật, quy định về ngân sách chung cho các lĩnh vực khác, dẫn đến nhiều khó khăn cho hoạt động đặc thù của các trường ĐH, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư nghiên cứu khoa học, đãi ngộ và thu hút nhân tài.
Do đó, với mức tự chủ hạn chế, bị ràng buộc quá nhiều cơ chế xin - cho, các trường ĐH trong nước sẽ dễ “thua ngay trên sân nhà” trước sự xuất hiện của các chương trình, phân hiệu ĐH nước ngoài tại Việt Nam với tính tự chủ cao. Tình trạng chảy máu chất xám vì thế cũng bắt nguồn từ đó. Ngoài ra, năng lực thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục hiện nay cũng là vấn đề nan giải. Hiện mới chỉ có ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội cùng một vài ĐH công lập trọng điểm sẵn sàng cho cơ chế tự chủ. Các đơn vị còn lại do tâm lý quen sống trong môi trường bao cấp quá lâu, ngại đổi mới nên chưa sẵn sàng với công tác tự chủ. Vì vậy, nhiều đại biểu kiến nghị Nhà nước cần tái cấu trúc lại hệ thống ĐH, thực hiện phân tầng ĐH để đầu tư và trao quyền tự chủ cho các nhóm trường, đồng thời tăng cường năng lực thực hiện tự chủ cho các trường thông qua các hoạt động bồi dưỡng nhận thức về ý nghĩa và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỹ năng quản trị tiên tiến cho cán bộ công chức. Song, để làm được tất cả điều đó, cần có một kế hoạch tổng thể dài hơi, đưa các nội dung của nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống.
THU TÂM