Giáo dục Việt Nam, tại sao phải đổi mới căn bản và toàn diện? Xã hội đã có những thay đổi về cơ chế hoạt động, về hệ thống giá trị, về nhu cầu cuộc sống; tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và xã hội đã có những đổi thay… Nên chúng ta không thể tiếp tục sử dụng nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý, phương thức đánh giá của nhà trường theo quan niệm giáo dục và hệ thống chuẩn mực của hàng trăm năm trước.
Công cuộc đổi mới giáo dục nước ta đã và đang diễn ra, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện lần này có gì khác? NQTW2 khóa VIII đã đưa chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo vào cuộc sống; Nghị quyết 40/2000/QĐ10 của Quốc hội khóa X, đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông; cùng nhiều chủ trương chính sách khác đã góp phần đổi mới nhà trường theo nhu cầu xã hội. Nhưng sự nỗ lực của nhà trường trong thời gian qua vẫn còn những giới hạn so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Phải thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện để nâng cao hiệu quả đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành một cách căn cơ và bền vững.
Đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay cần tập trung vào những nội dung gì? Phải đổi mới đồng thời và đồng bộ trên tất cả các yếu tố cấu thành của hoạt động giáo dục: Mục tiêu, phải đổi mới con người khoa bảng thành con người thực tế; thay nhồi nhét kiến thức hàn lâm thành nâng cao năng lực làm chủ cuộc sống; từ cơ chế độc quyền với từng hoạt động đơn lẻ chuyển sang phục vụ xã hội, cạnh tranh đa dạng với tinh thần hợp tác, thân thiện.
- Nội dung chương trình phải đổi mới từ phân hóa theo môn học thành tích hợp theo mục tiêu đào tạo; giảm lý thuyết từ chương, tăng cường thực tế; đổi mới mạnh mẽ từ nhà trường khép kín, gò bó sang giáo dục xã hội, mở rộng cửa trường đưa nhà trường thâm nhập vào cuộc sống.
- Phương pháp dạy học phải đổi mới từ dạy số đông sang dạy cá thể, dạy cách học; đổi mới từ dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều của người học; không dừng lại ở lý thuyết, minh họa mà vươn tới hoạt động thực hành, trải nghiệm, làm sinh động và hiệu quả hơn nội dung giáo dục, học sinh thích thú, chủ động tích cực tự tìm tòi học tập, nâng cao năng lực tự học, học suốt đời, học ở mọi lúc mọi nơi.
- Đánh giá quá trình dạy học để công nhận kết quả nhưng quan trọng là định hướng giáo dục – “Thi cử thế nào, thầy và trò dạy và học như thế ấy!”. Phải đổi mới đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên trong quá trình dạy học thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, thoát ly mục tiêu đào tạo. Tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình, phải phối hợp với phụ huynh đánh giá để thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
- Về tổ chức quản lý, đổi mới từ quan liêu bao cấp sang cơ chế tự chủ nhà trường, không ỷ lại vào cấp trên mà phải tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, thực hiện quy chế với ý thức tổ chức kỷ luật cao, đồng thời sáng tạo thể hiện những giải pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả.
- Thiết chế tổ chức nhà trường, phải đổi mới phù hợp với quan điểm đổi mới, giảm sỉ số trong lớp còn 20, 30 học sinh; học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ngày); giáo viên phải có chế độ làm việc cả ngày trong trường (8 giờ) theo đúng quy trình lao động của ngành nghề… thay vì chỉ đến trường theo giờ dạy.
Đổi mới căn bản giáo dục cần tập trung vào những vấn đề gì? Để phát triển căn cơ và bền vững, nhà trường phải đổi mới toàn diện trên các cơ sở mang tính nền tảng là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
- Đất nước đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, nhưng trong giáo dục, đến nay vẫn chưa thống nhất tư tưởng đổi mới, có quá nhiều ý kiến khác biệt nhau. Triết lý giáo dục dạy làm người chưa được thể hiện đậm nét trong nhà trường! Nên, đổi mới tư duy giáo dục là vấn đề tiên quyết trong đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục đất nước.
- Sự bất cập khá lớn của giáo dục nước ta hiện nay là đầu tư giáo dục. Sự bất cập này không chỉ vì khả năng kinh tế chưa đáp ứng mà chính yếu là bất cập về công tác kế hoạch. Đổi mới quan điểm đầu tư giáo dục làm kế hoạch tốt để đầu tư “đủ” và “thực chất” theo yêu cầu mục tiêu đào tạo.
- Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, cần thiết phải phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia giáo dục, nơi quy tụ những nhà khoa học có uy tín, có năng lực trên các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục để “thiết kế” mô hình nhân lực của đất nước trong giai đoạn hiện nay và xây dựng chương trình đào tạo, xác lập cơ cấu đầu tư, trên cơ sở ấy mà bộ chuyên ngành sẽ điều hành “thi công”, đảm bảo yêu cầu mục tiêu đào tạo một cách kỷ cương và hiệu quả.
Là một nhà giáo, có quá trình công tác trong ngành, quán triệt tinh thần NQ XI của Đảng, thấm nhuần và tâm đắc chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, tôi xin có đôi lời bày tỏ, nhân dịp đầu xuân.
TS Huỳnh Công Minh
Tháng 1-2012