(SGGP). - Ngày 17-11, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội phối hợp tổ chức hội thảo về đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học (ĐH).
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), hiện nay cơ chế tài chính đối với các trường ĐH đã bộc lộ nhiều bất cập như thấp, không bù đắp chi thường xuyên. Mức học phí được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần 20% - 25%/năm nhưng đến năm 2015 mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được 40% - 50% chi phí đào tạo cần thiết.
Bên cạnh đó, việc giao tự chủ tài chính nhưng không được giao tự chủ về mức thu học phí, các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí trong trần quy định thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên nên việc thực hiện tự chủ tài chính không thực chất. Theo Bộ Tài chính, do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục ĐH công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo không chính quy, liên kết nhưng việc mở rộng này không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường.
Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, suất chi thường xuyên tính trên một đầu sinh viên (hơn 6,5 triệu đồng năm 2011 và dự kiến 12,5 triệu đồng năm 2015) thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và thế giới. Toàn bộ các nguồn thu từ đào tạo ngay cả khi áp dụng mức thu tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ cũng không thể đủ cân đối cho một bộ phận lớn của chi thường xuyên phục vụ đào tạo là lương, bảo hiểm, khen thưởng, phúc lợi. Với mức lương trung bình giảng viên hệ ĐH quá thấp (2,55 triệu đồng năm 2011 và dự kiến 5,1 triệu đồng năm 2015), tới năm 2015, giảng viên giỏi có thể sẽ chuyển nghề hoặc chuyển sang các trường tư thục hay các trường có đầu tư nước ngoài.
Theo điều tra mới nhất của Viện Nhân lực ngành ngân hàng - tài chính và Hay Group về cung cầu nhân lực ngân hàng - tài chính, năm 2013 sẽ có hơn 32.000 sinh viên chuyên ngành này ra trường nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên được tuyển dụng. Số liệu trên cho thấy, nếu nhà nước không có chính sách định hướng, can thiệp kịp thời, chỉ một năm nữa sẽ mất cân đối lớn về cơ cấu nguồn nhân lực.
Theo PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, những bức xúc trong tự chủ đã được đề cập nhiều, giải pháp cũng đã được đề ra, vấn đề còn lại là cách làm. Việc lựa chọn thí điểm để tạo cơ chế tài chính riêng là vấn đề nhạy cảm nhưng vẫn làm được và nên cho một số trường có khả năng chủ động trong đào tạo, tuyển sinh, tự chủ tài chính... Vấn đề là minh bạch, công khai, kiểm định, giám sát xem cam kết chất lượng đầu ra của trường có đảm bảo hay không.
H.MY