Từ những thay đổi mang tính đột phá về thi cử, những chuyển động quan trọng trong thay đổi chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông mà Quốc hội đã ban hành nghị quyết trong phiên họp cuối năm 2014 đến những đột phá trong giáo dục đại học, tiểu học... đều mang đến sự kỳ vọng lớn lao cho giáo dục Việt Nam.
Xóa bỏ độc quyền SGK, có tạo nên kỳ tích?
Sau nhiều lần “ra mắt” lại, đến kỳ họp cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới CT-SGK phổ thông với tổng kinh phí 778,8 tỷ đồng. Dù chưa hoàn toàn yên tâm, nhưng việc Quốc hội thông qua nghị quyết này cho thấy yêu cầu đổi mới CT-SGK phổ thông đã quá cấp bách, không thể trì hoãn thêm.
Bởi vậy, năm 2015 này sẽ là năm quan trọng để ngành giáo dục chuẩn bị các công đoạn quan trọng cho đề án này. Một đề án chứa đựng kỳ vọng lớn lao của xã hội về việc chuyển đổi từ cách giáo dục nặng lý thuyết, quá tải, không thực chất hiện nay sang cách giáo dục thiết thực, phát triển được năng lực của học sinh… nên chắc chắn, cũng sẽ bị “soi” nhiều trong quá trình triển khai thực hiện. Nội dung đổi mới mang tính cốt lõi nhất của đề án là sẽ xóa bỏ độc quyền SGK phổ thông đã tồn tại mấy chục năm nay. Ngoài bộ SGK của Bộ GD-ĐT biên soạn, sẽ có những bộ SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn để người học lựa chọn. Việc xóa bỏ độc quyền trong nhiều lĩnh vực khác đã mang tới những thay đổi có tính kỳ tích, điển hình là xóa độc quyền trong viễn thông giúp người Việt Nam được sử dụng viễn thông giá rẻ. Với SGK, việc xóa bỏ độc quyền này liệu có mang lại những thay đổi đột phá trong chất lượng giáo dục? Đó là điều mà cả xã hội đang hồi hộp chờ đợi.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, CT-SGK mới sẽ được triển khai từ năm 2018, việc “cuốn chiếu” sẽ được tiến hành đồng thời ở cả 3 cấp học, kéo dài trong 5 năm. Còn về tâm thế chuẩn bị để đón nhận CT-SGK mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, từ 3 năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo giảm tải chương trình hiện hành. Cùng với đó là thay đổi cách dạy, cách học, đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng không bắt học sinh học thuộc lòng, không khuyến khích sử dụng bài văn mẫu... “Chương trình mới sẽ được thiết kế theo hướng giảm tải và chuyển sang hướng phát triển năng lực cho học sinh. Lúc đó việc truyền thụ kiến thức cho học sinh không phải mục tiêu duy nhất, mà chúng ta hướng tới việc giúp cho học sinh hình thành kỹ năng và phẩm chất của người lao động mới. Cách tiếp cận như vậy sẽ giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Sinh viên ĐH Cần Thơ thực tập trong phòng TN mô phỏng máy điện của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một mô hình liên kết đào tạo. Ảnh: MAI HẢI
Hy vọng vào trận đánh “mở màn”
Năm 2015 cũng là năm ngành giáo dục thực hiện bước đột phá lớn trong thi cử với kỳ thi quốc gia THPT mục đích “2 trong 1”. Thí sinh tham gia kỳ thi này để xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ. Hầu hết các trường ĐH-CĐ sẽ “chơi” ở sân chơi này.
Khi thực hiện nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ví von đó là một “trận đánh lớn” của ngành giáo dục. Chọn đổi mới thi cử là một khâu đột phá, có thể coi đó là trận đánh “mở màn”. “Nối tiếp những công việc đã và đang làm, bộ mới đi đến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Đó là một trong chuỗi công việc mà ngành giáo dục đang làm”, ông Phạm Vũ Luận nói.
Cho đến thời điểm này, ngành giáo dục đang cam kết với toàn xã hội sẽ tổ chức một kỳ thi tin cậy, chính xác, trung thực, kết hợp với kết quả học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp căn cứ tin cậy cho các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Đồng thời kỳ thi cũng sẽ được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, thuận tiện cho thí sinh, tránh căng thẳng và tốn kém của cá nhân và xã hội.
Đào tạo đại học ứng dụng nghề nghiệp
Ngay những ngày đầu năm 2015, một thông tin giáo dục đáng chú ý: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý chủ trương cho phép Trường Cao đẳng nghề Lilama2 tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng theo chương trình đào tạo căn cứ tiêu chuẩn Level 6 (665) khung 8 bậc của UNESCO - ISCED 2011. Theo đó, với chương trình đào tạo này, trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành cho người tốt nghiệp, đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, với chỉ đạo này của Thủ tướng, Trường Cao đẳng nghề Lilama2 - trường công lập thuộc Bộ Xây dựng, hàng năm cung cấp số lượng lớn công nhân kỹ thuật bậc cao sẽ mở màn trong đào tạo kỹ sư thực hành cho đất nước. Đây là hướng đi tất yếu của không chỉ đào tạo nghề, mà của cả đào tạo đại học Việt Nam trong thời gian tới: đào tạo ứng dụng nghề nghiệp.
Nếu như đề án CT-SGK phổ thông hướng đến mục tiêu “hình thành kỹ năng và phẩm chất của người lao động mới”, thì theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để hình thành nên người lao động mới, phần lớn tùy thuộc vào thay đổi trong giáo dục đại học. Việc thay đổi nội dung dạy, học, thi, kiểm tra đánh giá... ở phổ thông cũng để góp phần từng bước chuyển việc dạy truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Và đào tạo đại học, không có con đường nào khác, phải gắn với nhu cầu nghề nghiệp của xã hội.
LÂM NGUYÊN