Đổi mới giáo dục để phát triển năng lực học sinh

Đổi mới giáo dục để phát triển năng lực học sinh

(SGGPO).- Sáng 5-11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực” với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh nhằm góp ý thêm cho dự thảo chương trình. Hiện dự thảo này cũng đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội.

Thay đổi lớn nhất từ năm 1945 trở lại đây?

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Ly, Giám đốc chương trình nghiên cứu - Viện Đào tạo quốc tế, ĐHQG TPHCM đặt vấn đề: chương trình GDPT  hiện nay quá tải, nặng nề, học sinh học từ sáng đến tối nhưng vẫn không giỏi, thiếu kỹ năng sống. Nguyên nhân là học nhiều quá nên không có thời gian để suy nghĩ. Lần đổi mới này liệu có thay đổi được điều đó? Bởi những lần đổi mới trước không có hiệu quả rõ ràng.

Theo bà Ly, quan điểm đổi mới GDPT lần này chuyển từ nền giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Điều này thực ra không có gì mới, đã nói từ lâu nhưng không làm được do chưa có đủ điều kiện để thực hiện, nhất là đối với giáo viên. Tuy nhiên, Dự thảo xác định rõ những phẩm chất, năng lực mà học sinh đạt được sau khi học phổ thông, trong đó có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, biết yêu thương, sống tự chủ và có trách nhiệm. Ưu điểm của Dự thảo là đưa ra được cấu trúc những môn học tự chọn, bắt buộc, bảo đảm một số năng lực cốt lõi và cá nhân hóa quá trình giáo dục, khích lệ sự khác biệt, nền tảng nuôi dưỡng khả năng sáng tạo. Đây chính là điểm khác biệt nổi bật so với trước đây.

Ngoài ra, khi quan điểm giáo dục thay đổi, tức là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh thì phải thay đổi việc đánh giá học sinh. Theo đó, không phải là đánh giá xem các em biết được gì mà là để kiểm tra các em đạt tới những năng lực, phẩm chất gì. Như vậy, đánh giá phải là cả trong quá trình giáo dục, quay trở lại tác động đến quá trình dạy và học. Dự thảo cũng xác định dạy tích hợp có thể làm giảm quá tải, không phải kiểu dạy trang bị kiến thức vì vậy tích hợp giúp để lồng ghép, hình thành năng lực học sinh. Việc phân hóa ở các lớp trên có thể giúp các em phát huy năng lực, sở trường của các em, cá nhân hóa hoạt động giáo dục, thay vì bản sao hàng loạt. “Đó là những khác biệt lớn của dự thảo lần này, nếu thực hiện được thì sẽ tạo ra thay đổi về chất của GDPT. Chương trình mới nhằm trả lời câu hỏi: học sinh sẽ làm được gì, như thế nào khi học xong phổ thông”, bà Phạm Thị Ly đánh giá.

Thực tế, với dự thảo lần này, có ý kiến nhận xét, đây là thay đổi lớn nhất từ năm 1945 trở lại đây. “Tôi đồng ý đây là thay đổi có ý nghĩa, tích cực nhất trong những lần đổi mới GDPT vừa qua”, bà Ly nhấn mạnh. Tuy nhiên, để đánh giá liệu đổi mới GDPT lần này có đạt được mục tiêu này hay không, phải nhìn vào chương trình của từng môn học, nhưng hiện nay thì chưa có, và chúng ta phải đợi.

Giáo viên là yếu tố quyết định

Theo nhận xét của chuyên gia giáo dục Phạm Thị Ly, những ưu điểm đó là “điều kiện cần” để thực hiện đổi mới. Về điều kiện đủ, đầu tiên chính là yếu tố giáo viên. Bộ GD-ĐT khẳng định không đáng lo, vì hầu hết giáo viên đạt chuẩn. Tuy nhiên, dù có sự chuẩn bị, tập huấn nhưng để thay đổi thói quen dạy kiểu đọc-chép sang dạy kiểu mới là cả một thách thức. Phải bảo đảm đời sống cho giáo viên để học toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy. Phải có chế độ đãi ngộ và tạo động lực làm việc cho giáo viên. Cùng với đó, nếu không có đủ tài chính thì cũng khó đổi mới hiệu quả. Cơ sở vật chất của trường công phải được bảo đảm; trường bán công, tư thục phải bảo đảm thu đủ chi để thực hiện các hoạt động giáo dục. Về phương diện tổ chức nhà trường, cần tăng cường được tiếng nói của các bên liên quan, trong đó có tiếng nói của hội phụ huynh. Làm sao để hội phụ huynh tham gia giám sát hoạt động của nhà trường thay chỉ vì làm công việc thu quỹ của phụ huynh.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, để đổi mới GDPT thành công cần nhiều yếu tố, trong đó giáo viên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng giáo viên giỏi cũng cần người học tốt. Thầy giỏi mà trò không chịu học thì kết quả cũng không thể tốt. Vì vậy, cũng phải đẩy mạnh việc giáo dục trong gia đình để hình thành những học sinh có ý thức học tập.

Đặc biệt, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, chúng ta yêu cầu Đảng, Nhà nước phải đầu tư cho giáo dục, nhưng cần thấy rõ, kể cả khi chưa có sự đầu tư đó thì chúng ta hoàn toàn vẫn có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vai trò của từng nhà trường, từng Hiệu trưởng nhà trường, từng thầy cô giáo là rất quan trọng. Nếu mỗi Hiệu trưởng là một nhà giáo dục, một nhà sư phạm, biết khích lệ giáo viên, là tấm gương về đạo đức, trình độ thì chắc chắn chất lượng ở trường học đó có sự khác biệt.

Nhà báo Nguyễn Huy Cường, người có 18 năm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục cũng góp ý, lẽ ra giáo dục phải là nơi tiên phong của sự sáng tạo. Nhưng giáo dục hiện đang là nơi tụt hậu nhất so với sự chuyển động của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin...Học sinh phổ thông là đối tượng dễ bị tác động về tâm lý. Các em có thể thích công nghệ, Internet hơn việc học, vì thế cần có sự định hướng cho các em. Giáo dục chúng ta hiện nay 90% là nói-nghe, rất thủ công, đó là điều phải thay đổi trong thời đại các công cụ sáng tạo đã ngập tràn thì chúng ta phải thay đổi. “Cần  áp dụng triệt để khoa học sáng tạo trong lần đổi mới GDPT này. Đơn cử hoàn toàn có thể thay 150 phút của 4 tiết học về phân khúc lịch sử chống quân Nguyên Mông bằng clip 20 phút mô phỏng sinh động, cô đọng thì hiệu quả, hấp dẫn hơn rất nhiều. Hay chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng dạy, học ngoại ngữ chay hiện nay nếu lồng ghép vào việc dạy các môn sử, địa, giáo dục công dân. Hãy áp dụng triệt để công nghệ thông tin để đổi mới giáo dục”, ông Cường nói.

Có mặt tại hội thảo, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Đỗ Ngọc Thống, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình GDPT cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi hoàn thiện Dự thảo. Dự kiến, sang năm 2016 chương trình mới được ban hành.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục