Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó nêu rõ môn học “Công dân với Tổ quốc” là một trong 4 môn bắt buộc, môn này là tích hợp của 3 môn đạo đức công dân, lịch sử và quốc phòng an ninh. Điều đó có nghĩa, môn lịch sử không còn tồn tại trong hệ thống các môn học độc lập. Điều này nhận sự phản biện gay gắt của giới sử học, nhiều chuyên gia cho rằng, lịch sử phải là môn học độc lập. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
* Phóng viên: Ông lý giải thế nào về việc giới sử học và nhiều ý kiến trong xã hội không đồng tình việc sử học sẽ không còn là môn học độc lập?
- Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Chúng ta đang triển khai Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đổi mới nhưng không thể không dựa trên thực tiễn. Về môn sử, đây là vấn đề đã bộc lộ bất cập ít nhất 20 năm nay. Tôi nhớ cách đây 20 năm, báo chí đã từng làm một điều tra xã hội học lần đầu để đưa ra cảnh báo là giới trẻ đang quay lưng với lịch sử, học sinh không thích học môn sử. Đáng tiếc là tình trạng đó ngày càng tăng dần.
Trước hiện tượng này, chúng ta đã nhiều lần lý giải nguyên nhân vì sao. Có nguyên nhân rất chính đáng, khách quan, ví dụ sự lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tôi đã từng trả lời phỏng vấn Báo SGGP là nếu xã hội sẵn sàng trả lương cao cả ngàn USD/tháng cho người học chuyên ngành sử thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ lựa chọn nhiều. Nhưng nguyên nhân chính là do cách dạy sử trong nhà trường thiếu hấp dẫn. Vì vậy, với môn sử, đầu tiên là phải đặt vấn đề củng cố lại việc dạy môn sử trong nhà trường. Điều này chúng tôi đã có ý kiến nhiều rồi nhưng Bộ GD-ĐT gần như không quan tâm. Và khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn thì họ tìm ra lối thoát khác, đó là nhân Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT yêu cầu tăng cường tích hợp các bộ môn, giảm tải gánh nặng cho học sinh thì Bộ GD-ĐT quyết định tích hợp môn sử.
Tích hợp môn học là đúng, nhưng tại sao khi dự định tích hợp môn sử thì lại tạo ra phản ứng của xã hội như vậy? Là bởi khi đưa ra dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, ngành giáo dục gần như đã loại môn sử ra. Cho dù Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định là chỉ tích hợp môn sử, vẫn là môn học bắt buộc, vẫn tôn trọng môn sử nhưng trên thực tế là môn sử sẽ bị coi nhẹ. Vì vậy, dù rất tôn trọng sự đổi mới của Bộ GD-ĐT nhưng tôi cho rằng ngành giáo dục phải hết sức thận trọng, phải nghiên cứu kỹ, tranh thủ ý kiến, tạo sự đồng thuận trong vấn đề này. Tôi lấy ví dụ ngày 3-11, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bàn với nhau về vấn đề này (rất tiếc là báo chí không được tham dự) nhưng đã xảy ra tình trạng: tất cả các đại biểu phát biểu một chiều, còn một thứ trưởng, đại diện của Bộ GD-ĐT lại trả lời lại một chiều, theo hướng khẳng định Bộ GD-ĐT là đúng. Nếu thiếu một sự thiện chí như thế thì chúng ta khó tìm được sự đồng thuận. Mà không tìm được sự đồng thuận trong lĩnh vực giáo dục, lại là giáo dục lịch sử thì tôi nghĩ rằng khó đổi mới thành công.
Vì vậy, tôi rất mong muốn dư luận xã hội tiếp tục tìm ra một giải pháp tốt nhất để ủng hộ Bộ GD-ĐT thực hiện Nghị quyết đổi mới giáo dục, nhưng đồng thời cũng phải trên cơ sở sát với thực tế. Bởi chúng ta đã thấy rất nhiều thất bại của ngành giáo dục, chính bởi họ cứ chủ quan, họ cứ cho đó là lĩnh vực riêng của mình mà quên mất rằng, giáo dục không chỉ tác động rộng rãi trong xã hội ngày hôm nay, mà nỗi lo của xã hội là cho cả tương lai.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TPHCM) trong giờ học ngoại ngữ. (Ảnh: MAI HẢI)
* Hội Khoa học lịch sử Việt Nam muốn sử là một môn học độc lập, tương tự như toán, văn. Nhưng có vẻ như giải thích của Bộ GD-ĐT cũng có lý khi cho rằng, sử tuy tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc nhưng vẫn là nội dung học bắt buộc với tất cả học sinh?
- Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu môn Công dân với Tổ quốc là gì, chỉ biết là sẽ gộp 3 môn sử - đạo đức công dân - an ninh quốc phòng với nhau; gộp lại ra sao chưa ai biết. Giả thiết chúng ta chấp nhận thì điều đó sẽ dẫn đến cái gì? Trong khi đó, quan điểm chung là ngành giáo dục phải củng cố môn sử thật tốt trong nhà trường, dù thi hay không thi thì môn sử vẫn phải là một môn học quan trọng. Còn việc tích hợp thế nào ngành giáo dục phải bàn kỹ, phải đi từng bước và lắng nghe ý kiến của xã hội. Còn đừng làm với thái độ “nói lấy được”, thiếu thiện chí thì sẽ rất khó đổi mới thành công.
Không phải chúng tôi làm sử mà khăng khăng cho sử là môn học quan trọng, nhiều môn khác đều quan trọng. Nhưng chúng tôi chỉ muốn lưu ý trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn môn sử có vị thế riêng đối với mục tiêu là xây dựng con người Việt Nam. Còn những kiến thức về khoa học tự nhiên khác chúng tôi hết sức tôn trọng. Chúng tôi không đặt lên bàn cân cái nào quan trọng hơn, nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, sự buông lơi trong vấn đề lịch sử sẽ để lại hiệu ứng tiêu cực cho xã hội.
* GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết hội sẽ tranh luận đến cùng về việc sử phải là môn học độc lập?
° Chúng tôi cho rằng trước hết sử phải là môn học độc lập. Còn sau này, khi quá trình tích hợp đó có thể đạt tới hiệu quả mà xã hội công nhận và đúng như cam kết của ngành giáo dục là không bỏ kiến thức lịch sử thì chúng ta sẵn sàng tìm các giải pháp để tích hợp, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước. Còn bây giờ nếu cứ đưa ra việc thực hiện Nghị quyết 29 rồi nói là tích hợp lại, đến mức cái tên của môn học cũng chưa rõ ràng, chuẩn xác thì là không nên.
* Nếu Bộ GD-ĐT công bố được nội dung tích hợp môn sử thỏa đáng thì hội có ủng hộ không?
- Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Chính điều mà chúng tôi góp ý Bộ GD-ĐT nên thận trọng là ở chỗ phải chuẩn bị thật kỹ trong vấn đề này. Là đại biểu Quốc hội, tôi rất chia sẻ với Bộ GD-ĐT khi làm điều gì cũng dễ bị phản ứng. Vì thế, chúng tôi mong Bộ GD-ĐT giữ được bình tĩnh một cách khôn ngoan. Đừng biến mọi thứ thành sự thí nghiệm của Bộ GD-ĐT, rất nguy hiểm. Cũng như vấn đề thi cử vậy. Vì vậy, những việc này bộ phải lường trước và có những bước đi thích hợp. Tôi lấy ví dụ, bộ định tích hợp môn sử và các môn khác, nhưng chưa bao giờ bộ mời các cơ quan chuyên môn liên quan đến để bàn với nhau xem có tích hợp được không, tích hợp thế nào, tất cả chỉ là công bố trên mạng. Cách làm như vậy gây phản ứng của xã hội là dễ hiểu.
* Cảm ơn ông!
Sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về môn sử Tin từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, ngày 7-11, hội đã tổ chức phiên họp quyết định sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về môn sử vào ngày 15-11 tới tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (ở Hà Nội). Thành phần tham dự khoảng 50 người, gồm các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các trung tâm, vụ, viện, khoa sử các trường đại học trên toàn quốc và một số giáo viên sử phổ thông. |
PHAN THẢO