Đổi mới giáo dục - Riêng rẽ sẽ không thành công

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI vừa qua đã thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng là mối quan tâm đặc biệt của xã hội thời gian qua, là tâm huyết của rất nhiều chuyên gia, nhà giáo dục trong cả nước. Điều mong mỏi nhất hiện nay của xã hội nói chung là ngành giáo dục sẽ triển khai đề án này một cách khoa học, thực tế, hiệu quả, có sự góp sức trí tuệ của cả xã hội chứ không chỉ gói gọn trong ngành. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Phạm Tất Dong (ảnh), chuyên gia giáo dục, xung quanh đề án này.
Đổi mới giáo dục - Riêng rẽ sẽ không thành công

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI vừa qua đã thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng là mối quan tâm đặc biệt của xã hội thời gian qua, là tâm huyết của rất nhiều chuyên gia, nhà giáo dục trong cả nước. Điều mong mỏi nhất hiện nay của xã hội nói chung là ngành giáo dục sẽ triển khai đề án này một cách khoa học, thực tế, hiệu quả, có sự góp sức trí tuệ của cả xã hội chứ không chỉ gói gọn trong ngành. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Phạm Tất Dong (ảnh), chuyên gia giáo dục, xung quanh đề án này.

* Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về đề án này?

* GS-TS PHẠM TẤT DONG: Ngành giáo dục đã soạn thảo đề án này nhiều lần. Mỗi lần viết đều tiến bộ. Thành công của đề án được trung ương vừa thông qua là đã đề cập được rất nhiều vấn đề của giáo dục mà chúng ta cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đề án chưa tuyên bố một cách rõ ràng rằng, nền giáo dục sắp tới là nền giáo dục theo đúng mô hình xã hội học tập. Tức là phải có mảng giáo dục ban đầu, tiếp đến là mảng giáo dục tiếp tục. Giáo dục ban đầu là cho đến đại học, còn mảng tiếp theo là giáo dục cho đến suốt đời. 2 mảng này gắn bó mật thiết với nhau. Nếu chúng ta không tuyên bố được điều này thì không thể nào có được một nền giáo dục con người học suốt đời, tức là không có xã hội học tập, không tiến đến được nền kinh tế tri thức. Mà muốn có xã hội học tập thì phải coi giáo dục không chính quy là cực kỳ quan trọng. Không ai có thời gian để đi học chính quy suốt. Từ các vị giáo sư, tiến sĩ đến những những người nông dân muốn sản xuất tốt đều tự học, đều phải dựa vào giáo dục không chính quy. Vì vậy, trong khi 25 triệu người học chính quy thì hơn 60 triệu dân còn lại phải học không chính quy. Nếu xây dựng được như vậy thì chúng ta mới có được xã hội học tập.

Mặt khác, nếu muốn có một xã hội học tập mà chúng ta không làm nổi bật được vai trò của các lực lượng xã hội, các doanh nghiệp, đó là vấn đề mà đề án đang thiếu. Một mình ngành giáo dục không làm nổi đâu. Phải có nhân dân, phải có lực lượng xã hội, các doanh nghiệp cùng chung tay đổi mới giáo dục. Mỗi mình ngành giáo dục làm thì không bao giờ thành công. Vì vậy, tôi có cảm giác đề án này mang tính ngành giáo dục nhiều quá, đứng ở góc độ ngành giáo dục mà phát biểu chứ không phải đứng giữa xã hội mà phát biểu.

Vấn đề nữa là ngành giáo dục đã chỉ ra được rất nhiều vấn đề phải đổi mới trong đề án này, từ đổi mới chương trình - SGK đến đổi mới thi cử. Nhưng tôi cho là muốn xây dựng, muốn lập một rừng giáo dục mới thì ngành giáo dục vẫn chỉ mới trông thấy từng cây một. Vẫn đang trong tình trạng trông thấy cây nào thì bàn về cây đó. Như thế thì khó tạo nên rừng lắm, nhiều cây đấy nhưng vẫn không thành rừng. Muốn thành rừng thì các cây phải đặt vào với nhau, xen kẽ, gắn kết với nhau.

Những cây chương trình - SGK, thi cử đã được chỉ ra, nhưng mục tiêu của “rừng” về đổi mới giáo dục phải được chỉ ra. Nếu không ra được mục tiêu thì những đổi mới riêng rẽ sẽ không thành công hoàn toàn.

* Đề án đã chỉ rất rõ mục tiêu, thưa giáo sư?

* Hiện nay chúng ta đang đi vào xây dựng xã hội học tập để chuẩn bị xây dựng một nền kinh tế tri thức. Vậy mà, đề án Bộ GD-ĐT đưa ra không có bóng dáng của điều này. Đề án chỉ đưa ra chương trình - SGK. Đáng lẽ đề án đổi mới này phải bám vào đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước trở thành nước công nghiệp, bám vào hội nhập quốc tế, bám vào vấn đề đưa công dân Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Các mục tiêu trên đều hướng đến cải cách giáo dục. Đề án của bộ không nói lên được các vấn đề này.

Tôi cho rằng mục tiêu phải chỉ rõ là một người học tập suốt đời thì phải đạt những gì là tối thiểu. Tôi lấy ví dụ, con người bây giờ là hội nhập chứ không phải con người ngày xưa nữa. Vậy con người hội nhập phải được đào tạo theo tiêu chí khác trước. Anh muốn cầm một cái bằng tốt nghiệp đi các nước thì không thể dẫn theo một phiên dịch được. Vậy muốn nói thạo ngoại ngữ thì phải từ năm nào? Nếu tốt nghiệp THPT nói được ngoại ngữ thì phải học từ vỡ lòng, vậy thì phải dạy ngoại ngữ ra sao? Tôi cho rằng, đề án phải định ra mục tiêu rõ ràng thì mới cấu tạo được chương trình tốt, từ vấn đề ngoại ngữ, tin học... Còn nếu chỉ nói chung chung là đào tạo ra con người hội nhập thì rất khó.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM vui mừng nhận bằng tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM vui mừng nhận bằng tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

* Nghĩa là để đề án đi vào cuộc sống thành công, cần phải hoàn thiện thêm nữa?

* Đề án cũng khiến chúng tôi hài lòng nhiều điều, nhưng vẫn chưa đúng với những gì kỳ vọng. Nếu làm cơ bản hơn thì sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân hơn. Một đề án viết hay thì không phải mình ngành giáo dục làm được mà phải là trí tuệ của cả xã hội. Nếu chỉ ngành giáo dục viết trong nội bộ ngành thì đó chỉ là đề án của ngành thôi. Đừng để xã hội nghĩ đây không phải là đề án tầm trung ương.

* Một vấn đề rất mới của đề án là đổi mới cơ chế tài chính. Có thể hiểu là sẽ dần dần bỏ bớt bao cấp dành cho giáo dục công lập, tiến tới bình đẳng hơn giữa giáo dục công và tư. Giáo sư đánh giá về sự đổi mới này như thế nào?

* Nhiều chuyên gia đánh giá đó là cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục. Nhưng tôi cho rằng, không phải cái gì giáo dục tư cũng hay cả. Giáo dục tư tạo điều kiện để những người có điều kiện kinh tế hơn tiếp cận được các dịch vụ giáo dục tư. Nhưng đừng làm cho những người giàu có đạt tới trình độ các trường học cao xa, còn người nghèo thì học trường công với chất lượng vừa vừa. Điều đó là rất nguy hiểm, vì như thế người nghèo sẽ không bao giờ tiếp cận được giáo dục chất lượng cao, con em nông dân sẽ không được ngồi học phòng máy lạnh, máy tính chẳng hạn. Nếu nói tháp phân tầng xã hội, thì liệu 20% dưới đáy có được học bình đẳng với 20% trên cùng không, hay người không có tiền phải chấp nhận học trường kém? Vì thế xóa bỏ bao cấp giáo dục công chưa hẳn tốt mà phải tính toán một cách hài hòa. Một nền giáo dục dân chủ trước hết là phải trả lời được câu hỏi người nghèo có được học bình đẳng không, có được học trường chất lượng không. Nếu chưa trả lời được câu hỏi đó thì chưa có nền giáo dục dân chủ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục