30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Từ thực tiễn của quá trình 30 năm đổi mới, Đảng ta xác định yêu cầu của những năm tiếp theo phải tiến hành đổi mới toàn diện, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị cả về chức năng, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, về đội ngũ cán bộ và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp… Trong thực tế, vấn đề hệ trọng trên đã được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm ở một số địa phương, đơn vị theo Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25).
Nhất thể hóa bộ máy Đảng - chính quyền
Huyện Tiên Yên được Tỉnh ủy Quảng Ninh chọn là địa phương đầu tiên làm thí điểm Đề án 25. Quá trình thực hiện như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Diện nói, phải chuẩn bị kỹ và chọn cách làm, bước đi, thời điểm thích hợp. Ông cho chúng tôi xem các quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện do chính ông ký ngày 8-10-2015, bổ nhiệm một loạt chức danh lãnh đạo. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 12 đồng chí thì có 6 người đảm nhiệm các chức vụ nhất thể hóa như: Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra; Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục chính trị và một Phó Bí thư, một ủy viên Thường vụ Huyện ủy giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện. Các chức danh khác như Chánh Văn phòng Huyện ủy kiêm Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện; trưởng các tổ chức đoàn thể thành viên MTTQ (Đoàn TNCS, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…), giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện…
Dù mô hình mới đi vào hoạt động chưa đầy một tháng, song như đánh giá của đồng chí Vũ Văn Diện, hiệu quả thấy rõ nhất là khi triển khai các chủ trương được nhanh hơn, sâu hơn, xuống ngay tới cơ sở. Ông dẫn chứng: Trong các cuộc họp của Ban Thường vụ, khi bàn bạc và thống nhất về một vấn đề gì, thuộc lĩnh vực nào là đồng chí phụ trách đã hình dung ngay ra việc, địa bàn của mình phải làm gì rồi và cũng nghĩ ngay cách để điều hành phía chính quyền; những cái gì vướng mắc đã biết và lường trước để xây dựng nghị quyết thực tế hơn, bám sát cơ sở hơn. “Sau khi thống nhất trong thường vụ rồi là bàn cách giải quyết luôn, không phải đợi về tổ chức, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện từ Đảng tới chính quyền nữa”, ông Diện nói.
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công UBND huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) được giải quyết nhanh, đúng hẹn với thái độ hòa nhã, vui vẻ của công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Về phía đảng viên phụ trách các lĩnh vực, công việc, Huyện ủy Tiên Yên cũng xây dựng quy chế gắn trách nhiệm với sinh hoạt ở khu dân cư, ở cơ sở hoặc những nơi mà mình phụ trách. Định kỳ hàng tháng, hàng quý phải về đây sinh hoạt để nắm tình hình. Cụ thể, đảng viên ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy địa bàn xã nào đang nuôi tôm có vấn đề thì phải về đấy sinh hoạt để nghe nông dân phản ánh cái gì. Hay đảng viên ở Hội Nông dân là nghĩ ngay đến việc đang triển khai nghị quyết về nông - lâm thì phải xuống cơ sở, xuống dân sinh hoạt để cùng dân thực hiện và tháo gỡ những khó khăn phát sinh. Phương thức này, như ông Diện nói, không chỉ nâng trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, mà còn tránh được tình trạng đổ qua, đổ lại theo từng tầng, từng lớp quản lý như trước kia; vì mỗi người giờ đây phải chịu trách nhiệm xuyên suốt cả một chuỗi công việc, từ khi triển khai đến đánh giá kết quả thực hiện. “Các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, phòng chống tham nhũng… theo mô hình nhất thể hóa cũng có những tác động nhất định cho cả bộ máy. Những vướng mắc ở cơ sở tới ngay được Ban Thường vụ. Ý chí của Ban Thường vụ được cụ thể bằng phương án, chương trình hành động của một cơ quan chuyên môn, không còn trên văn bản nữa. Nếu thực hiện được sẽ khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định rõ hơn năng lực cầm quyền, bởi vì trước đây Đảng đề ra chủ trương nhưng cả một bộ máy trì trệ, tuy vẫn thực hiện được nhưng không xuyên suốt được mục tiêu, hiệu quả đạt thấp”, ông Diện nhấn mạnh.
Theo chúng tôi, vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ, chính xác và toàn diện những mặt tích cực và cả những hạn chế của mô hình thí điểm nhất thể hóa bộ máy Đảng - chính quyền mà huyện Tiên Yên đang làm. Nhưng, từ tổ chức và phương thức lãnh đạo mới này đã thấy rõ được trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, chính quyền; ai cũng có công việc, trách nhiệm cụ thể, không còn đổ được cho ai nữa, nên ai cũng phải nghĩ ra cách làm; các kiến nghị của người dân sớm đến được cơ quan lãnh đạo cao nhất ở địa phương.
Những vấn đề đặt ra
Đảng ta nhận định: Thực tiễn xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta 30 năm qua tuy đã từng bước đổi mới phù hợp hơn với yêu cầu phát triển, thích ứng với nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế, nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong đó, đổi mới hệ thống chính trị có phần lúng túng, chưa theo kịp và đáp ứng tốt yêu cầu của những bước phát triển kinh tế, xã hội. Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và phương thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội chưa được phân định cụ thể và còn chồng chéo, bất hợp lý. Mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị chậm được đổi mới; cơ cấu tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị nói chung còn cồng kềnh cả theo chiều ngang và trong hệ thống dọc, nhiều tầng nấc bất hợp lý, rập khuôn về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động (trên tổ chức sao, dưới làm y vậy)…
Tuy đã sớm nhận ra yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy nền dân chủ theo yêu cầu mới, song chúng ta thiếu một cách nhìn tổng thể nên chủ trương và tổ chức thực hiện không đồng bộ. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên thực tế về những vấn đề trên chưa được quan tâm đúng mức và kiên quyết, chưa khuyến khích mạnh mẽ và phát huy cao tính dân chủ, sáng tạo của các địa phương… GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh thêm: “Cùng với đổi mới kinh tế 30 năm qua, vấn đề đổi mới hệ thống chính trị cũng được thực hiện nhưng chưa đồng bộ, chưa sâu, chưa quyết liệt. Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đánh giá một cách toàn diện nhất về đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vấn đề là phải dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan và tìm ra được giải pháp, mô hình đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với đổi mới kinh tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Phải đổi mới hệ thống chính trị gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dựa trên nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Cùng với đó là xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các thiết chế cơ bản trong tổ chức bộ máy. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản: Thượng tôn pháp luật; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
| |
HOÀI NAM