Trước nhiều luồng ý kiến đồng thuận cao lẫn trái chiều về dự thảo đề án của Bộ GD-ĐT về đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT, cuối cùng phương án nào sẽ được chọn lựa? Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh.
- Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1 TPHCM Bùi Minh Tâm: Sẵn sàng chịu cực để học sinh hưởng lợi
Tất cả học sinh, giáo viên đang hồi hộp, ngóng chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm giảm áp lực về thi cử cho học sinh cuối cấp. Trên thực tế, học sinh của trường chúng tôi vẫn học bình thường và không học lệch môn như dư luận lo ngại. Thế nhưng để ổn định tâm lý chung, rất mong Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi và môn thi phù hợp với nguyện vọng của số đông học sinh. Đối với học sinh TPHCM, qua khảo sát cho thấy phần đông chọn môn thi là ngoại ngữ.
Ở góc độ quản lý, chúng tôi nhận thấy nếu thực hiện theo phương án 1 của dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp như bộ đưa ra thì học sinh sẽ hưởng lợi ngay và các trường, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục sẽ cực hơn. Thế nhưng, vì quyền lợi học sinh, chúng tôi sẵn sàng vào cuộc.
Xung quanh quy định tính cộng điểm bình quân năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp đã đánh giá được cả một quá trình học của học sinh. Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực học sinh hiện nay chưa thể hiện sự chuẩn xác và công bằng do mặt bằng đào tạo giữa các trường, giữa các địa phương, vùng miền không đồng đều.
Theo tôi, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức khoa học, kết quả đảm bảo độ tin cậy, có sự phân hóa học sinh theo trình độ, năng lực sẽ sàng lọc đầu vào tốt cho bậc đại học. Hơn nữa, “kỳ thi nháp” này sẽ giúp học sinh nhìn lại bản thân và chuẩn bị củng cố kiến thức cho kỳ thi đại học quan trọng.
- Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) Nguyễn Thanh Hùng: Nên bỏ tỷ lệ xét tốt nghiệp 20% và cộng điểm bình quân
Hàng năm, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chúng tôi luôn đạt trên 80%, vì thế, việc quy định tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 20% là không phù hợp, tạo thêm phiền phức, rắc rối cho các nhà quản lý giáo dục. Theo tôi, nên bỏ quy định này và chỉ áp dụng theo quy định cũ để khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, TP, quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng cần bỏ quy định cộng điểm bình quân để xét tốt nghiệp vì việc đánh giá năng lực học sinh nhìn chung chưa thể hiện sự công tâm, công bằng. Nhiều trường yêu cầu chất lượng đào tạo cao, muốn rèn học sinh nên cho điểm chặt tay và ngược lại.
Chủ trương giảm tải thi cử và rút xuống còn 4 môn thi tốt nghiệp như dự thảo phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Việc bắt học sinh học dàn trải nhiều môn, kiến thức nặng nề và tổ chức thi cử thiếu khoa học sẽ khiến học sinh mệt mỏi dẫn đến tình trạng đánh giá chất lượng đào tạo, năng lực học tập của từng em thiếu chính xác.
Theo tôi, việc cho học sinh tự chọn môn thi sẽ chuẩn bị nền tảng cho bước học phân ban theo chương trình đổi mới giáo dục sắp tới. Ngoại ngữ là môn học quan trọng - chìa khóa của hội nhập quốc tế nên bộ cần mạnh dạn đưa vào môn thi tự chọn.
- Một phụ huynh (Email: hoangtn…@yahoo.com): Quyết định chậm trễ sẽ làm khổ học sinh
Là phụ huynh có con gái lớn đã học đại học năm thứ ba và năm nay có con trai thứ học lớp 12, tôi và nhiều phụ huynh cảm thấy vui mừng trước quyết tâm đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, dư luận không thể không đặt vấn đề khi bộ hay có những quyết định về thi cử nóng vội, thậm chí thay đổi liên tục, mỗi năm mỗi khác khiến người học, phụ huynh quay như chong chóng.
Tại sao chủ trương đổi mới giáo dục đã được Đảng và Nhà nước bật đèn xanh thực hiện từ những năm trước nhưng bộ không nghiên cứu, chọn phương án khả thi ngay từ đầu năm học mới 2013 - 2014, mà đợi đến gần sát kỳ thi mới công bố phương án giảm môn thi còn 4 môn? Thực tế cho thấy, bộ đã lắng nghe nhưng còn phân vân, đắn đo và chậm công bố quyết định để học sinh ổn định tâm lý, yên tâm ôn thi theo môn tự chọn.
Lẽ ra, trước nhiều luồng ý kiến trái chiều về thi và xét tuyển tốt nghiệp THPT, bộ cần tổ chức ngay hội thảo khoa học, trưng cầu ý kiến đóng góp tâm huyết, chuẩn xác của các nhà khoa học, nhà giáo dục có uy tín nhằm chọn lựa phương án tốt nhất, khả thi nhất, phù hợp nguyện vọng của số đông người học nhất. Việc dự thảo đưa ra một số quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế và bị các Sở GD-ĐT địa phương phản ứng cho thấy việc chuẩn bị phương án đổi mới thi cử của bộ còn cập rập, thiếu bài bản, chưa sát thực tế.
Tuy nhiên, dư luận, học sinh và thầy cô giáo đang nóng lòng chờ đợi quyết định mang tính đột phá nhằm giảm tải, giảm áp lực, giúp học sinh có kỳ thi nhẹ nhàng như mục tiêu đổi mới đặt ra.
KHÁNH BÌNH ghi