Tại hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng về chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012 được tổ chức ngày 6-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Trong năm 2010, GDĐH thực hiện 3 nội dung chính: triển khai chương trình hành động thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các trường ĐH thực hiện cam kết chất lượng - chương trình đổi mới trong 3 năm và chiến lược phát triển 5 năm hoặc 10 năm. Cũng trong năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ ra khoảng 23 văn bản quy định hướng dẫn cụ thể để giúp các trường thực hiện chương trình hành động. Khi ban hành 23 văn bản này, các trường sẽ có đủ cơ sở, điều kiện để thực hiện.
Các chương trình hành động đều chưa... cụ thể
Sau gần 3 giờ được nghe ban tổ chức đọc các chương trình hành động và hướng dẫn việc tổ chức thảo luận, đến gần 11 giờ trưa 6-3, các đại biểu của các điểm cầu truyền hình mới… được phát biểu để đóng góp cho chương trình hành động của Bộ GD-ĐT. Và, dù chỉ còn quá ít thời gian để thảo luận, các đại biểu cũng cố gắng nói lên… khao khát của mình.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Đổi mới giáo dục ĐH - Khó thường trực Hiện nay chúng ta chưa thực hiện được ai đánh giá trường, cấp dưới đánh giá cấp trên và Bộ GD-ĐT cũng chưa làm được việc này. Điều này có nghĩa là chúng ta đang vi phạm về quy luật quản lý. Về nguyên tắc đối xử cá nhân, đối với giảng viên, nếu giảng viên dạy tốt và làm nghiên cứu khoa học tốt thì lương cũng đâu có cao hơn. Như thế thì sẽ không công bằng. Về vấn đề này, sắp tới, Vụ Tài chính phải làm rõ những nội dung này để đưa ra những cơ sở pháp lý. |
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc thực thi các hệ thống pháp luật trong chương trình hành động sắp tới. Tuy nhiên, trong nội dung chương trình hành động, chúng ta chỉ mới tập trung vào chức năng thứ hai (giám sát) còn vấn đề tạo điều kiện để các trường ĐH nâng cao chất lượng chưa rõ nét. Một bài toán khó mà lâu nay chúng ta không giải được là với nguồn lực giới hạn, chúng ta đang phân vân giữa số lượng và chất lượng của GDĐH. Chúng ta muốn có chất lượng nhưng tất cả mọi thứ đều có hạn (tài chính, nguồn lực) thì có vẻ mâu thuẫn và không giải quyết được. Việc giảm chỉ tiêu (số lượng) chưa hoàn toàn đúng với chủ trương nâng cao trình độ dân trí. Việc nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học cần phải có các văn bản, chính sách cụ thể thì mới làm được.
Đồng ý 100% với chủ trương của Bộ GD-ĐT coi việc quản lý là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng GDĐH, NGƯT - PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tán thành nội dung quan trọng bậc nhất trong chương trình hành động để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về nâng cao chất lượng GDĐH. Ông nhấn mạnh, đổi mới quản lý là vấn đề mấu chốt nhất để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, các chương trình cần cụ thể hơn.
Theo GS-TS Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, khi ra các văn bản, chúng ta phải bám sát vào thực tế chứ đừng như bấy lâu nay văn bản chưa đi sát cuộc sống mà rõ nhất là vấn đề thành lập trường. Kế hoạch đổi mới lần này phải bám sát thực tế hơn để đưa hệ thống GDĐH đi đúng hướng. Muốn vậy, các nhà soạn thảo văn bản phải thấu đáo mọi lẽ và phải hoàn chỉnh trước rồi mới ban hành. Trong số 23 văn bản mà Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trong năm 2010 chưa thấy văn bản nào riêng cho các đại học vùng. Muốn cho các ĐH vùng phát triển bền vững cũng cần có những chính sách riêng, cụ thể hơn.
Phân cấp, phân quyền - Vẫn là hy vọng
Vẫn vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng không hiểu sao tất cả các hội nghị bàn về đổi mới quản lý giáo dục cứ liên tục được đề cập với sự tha thiết của các đại biểu, lần này cũng vậy. Tuy nhiên, không chỉ là đòi hỏi suông, một số đại biểu đã đưa ra những giải pháp căn bản để thực hiện. Vấn đề còn lại là cấp chủ quản có… chịu thực hiện hay không.
11 nội dung trong chương trình hành động Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, từ nay đến 2012, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện chương trình hành động với 11 nội dung sau: Tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong toàn ngành và xã hội: Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo; Rà soát các chỉ tiêu phát triển GDĐH giai đoạn 2010-2012; Hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản pháp luật về GDĐH; Đổi mới quản lý trong cơ quan Bộ GD-ĐT; Phân công, phân cấp quản lý các trường ĐH, CĐ; Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; Quy hoạch xây dựng các ĐH trong các tỉnh, các khu ĐH tập trung quy hoạch và xây dựng ký túc xá sinh viên; Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó; Đổi mới cơ chế tài chính cho GDĐH; Đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH; Đổi mới quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học. |
Theo PGS Trần Hoàng Ngân, trong đổi mới quản lý, Bộ GD-ĐT cần theo hướng phân cấp đối với các cơ sở đào tạo. Phân cấp ở đây là phân quyền, trao quyền tự chủ cho các trường. Cần phân chia các trường đại học thành các nhóm: chất lượng tốt và trung bình - kém. Đối với các trường đã đạt chất lượng tốt, bộ nên phân cấp toàn diện. Còn với những trường có chất lượng trung bình, yếu kém, Bộ GD-ĐT phải quản lý chặt, giám sát kỹ. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta không thể dùng chung một cách quản lý đối với nhiều loại xe từ xe đạp, xe mô tô đến ô tô mà phải phân luồng, quy định rõ ràng cách lưu thông cho từng loại xe trên từng tuyến đường để thông suốt. Còn nếu tất cả các loại xe đều chịu chung một quy định trong lưu thông thì rất khó mà vô tình tạo nên sự cản trở.
PGS Thái Bá Cần cũng nhấn mạnh, chỉ thị của Thủ tướng là tăng cường tự chủ cho các trường ĐH, vì vậy hy vọng sắp tới đổi mới quản lý giáo dục, các văn bản pháp quy phải đi đúng hướng. Chúng ta tổ chức các hội thảo để lấy tham luận, ý kiến của các trường đại học, xã hội thì trong các văn bản thực thi chương trình hành động mà Bộ GD-ĐT ban hành, cần phải đưa những ý kiến đó vào thì mới sát với thực tế.
“Đối với các văn bản pháp quy cần phải dựa trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trao quyền nhiều hơn cho các trường. Thực tế cho thấy, muốn hưởng dịch vụ cao thì đòi hỏi chi phí phải cao và chất lượng giáo dục cũng vậy. Mặc khác, các vấn đề về công khai, kiểm định chất lượng cần thực hiện thưởng phạt công minh thì mới tạo động lực cho các trường phát triển” - PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), đòi hỏi.
PHƯƠNG ĐÔNG – THANH HÙNG