Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Tránh nóng vội

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Tránh nóng vội

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (có thể áp dụng ngay trong năm 2014), rất nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia giáo dục, các giáo viên, học sinh và dư luận xã hội về vấn đề này.

Thí sinh thi trắc nghiệm môn hóa tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh thi trắc nghiệm môn hóa tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

        Băn khoăn bỏ thi môn ngoại ngữ

Có không ít ý kiến lại cho rằng một trong những điểm yếu lớn nhất hiện nay của học sinh Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung là yếu về ngoại ngữ, nên nếu không bắt buộc thi ngoại ngữ thì một bộ phận không nhỏ học sinh, nhất là học sinh ở nông thôn sẽ lơ là việc học môn này, tức là càng kéo dài sự yếu kém ngoại ngữ của học sinh Việt Nam. Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, mặc dù ủng hộ phương án thi 4 môn nhưng ông vẫn muốn học sinh thi 3 môn cố định là toán, văn, ngoại ngữ. “Ngoại ngữ là chìa khóa để học sinh tiếp cận tri thức, là kỹ năng để các em có thể tiếp tục phát triển”, ông Lê Văn Ngọ giải thích.

Có chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 3, Nghệ An cho rằng, bỏ thi ngoại ngữ bắt buộc thì học sinh và giáo viên môn này đều “sướng”, nhất là ở khu vực nông thôn, vì đây là môn học được coi là “khó nhằn” nhất. Thế nhưng, nếu bỏ bắt buộc thi môn ngoại ngữ thì các em sẽ càng không thích thú học môn này, dẫn đến kỹ năng nghe - nói - viết ngoại ngữ của học sinh không biết đến bao giờ mới được cải thiện. “Nhưng nói đi lại phải nói lại, trong điều kiện dạy và học ngoại ngữ chay hiện nay, có thi hay không thì chất lượng môn ngoại ngữ cũng chưa thể khá lên, vì đề thi tốt nghiệp ngoại ngữ hiện nay không bảo đảm kiểm tra được các kỹ năng học ngoại ngữ của học sinh”, cô Nguyễn Thị Hương nhận định. Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi cho rằng cách thi ngoại ngữ hiện nay không bảo đảm đánh giá được năng lực ngoại ngữ của học sinh, vì thế bộ không muốn tiếp tục thi mà không đem lại hiệu quả. Với cách giải thích này của lãnh đạo bộ, nhiều ý kiến bình luận: Bộ GD-ĐT đang thừa nhận sự thất bại của việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Đây cũng là vấn đề mà ngành giáo dục phải nghiêm túc xem xét.

        Có nên áp dụng ngay trong năm 2014?

Một vấn đề mà các địa phương hiện nay đang khá rối bời, đó là Bộ GD-ĐT có thể áp dụng phương án đổi mới thi tốt nghiệp ngay trong năm 2014 này. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, ngày 2-1 bộ công bố dự thảo, sau đó sẽ có 3 tháng để bộ lấy ý kiến. Vào khoảng tháng 3 - 4, bộ sẽ chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2014.

Thế nhưng, hầu hết các địa phương đều cho rằng lộ trình chuẩn bị như vậy là quá vội vàng. Ông Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, mong muốn nếu định triển khai phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong năm nay thì bộ phải sớm công bố quyết định cuối cùng để các trường và học sinh có thời gian chuẩn bị. “Bộ giải thích là thi môn gì thì cũng nằm trong chương trình THPT nhưng thực tế là hiện nay các trường đều đang dồn sức chuẩn bị cho học sinh 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Nếu ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc thì các em sẽ dành thời gian chuẩn bị tốt hơn cho các môn tự chọn khác. Bộ nên sớm chốt phương án có bắt buộc thi môn ngoại ngữ hay không”, cô Nguyễn Thị Hương phân tích. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, đổi mới thi cử, tuyển sinh cần có lộ trình chuẩn bị kỹ càng, không nên nóng vội có thể gây hoang mang cho học sinh, vì vậy nên chăng chưa cần nóng vội áp dụng ngay trong năm 2014 này. Đó cũng là điều mà Bộ GD-ĐT nên suy xét.

Học sinh lớp 12A16 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM trong giờ ôn học môn toán. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 12A16 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM trong giờ ôn học môn toán. Ảnh: MAI HẢI

        Có thể gây tiêu cực

Một trong thông tin đáng chú ý trong phương án của bộ là miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh khá giỏi, vì “các em này có thi cũng đỗ, miễn thi sẽ giảm tải cho các em, tiết kiệm được 20% phòng thi” như lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích. Tuy nhiên, hiện nay không ít ý kiến băn khoăn về quy định này. Một số ý kiến đồng tình miễn thi cho các em học giỏi. Nhưng số khác cho rằng thi tốt nghiệp là kỳ thi sát hạch học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, vì thế mọi học sinh đều phải dự thi để bảo đảm công bằng.

Ngoài ra, không ít ý kiến băn khoăn về tiêu chí miễn thi tốt nghiệp. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng không nên đặt vấn đề cho học sinh miễn thi tốt nghiệp. “Bộ GD-ĐT đã có lộ trình bỏ kỳ thi tuyển sinh cao đẳng - đại học theo hình thức “3 chung” thì cũng cần phải có một kỳ thi tốt nghiệp để các trường đại học lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Đó là chưa kể miễn thi có thể gây tiêu cực trong quá trình xét duyệt”, ông Nguyễn Tùng Lâm nói. Theo PGS Văn Như Cương việc thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án được phê duyệt nhưng liệu có đảm bảo khách quan? Trong khi chúng ta đã từng chứng kiến vụ việc tiêu cực mang tính tập thể ở Đồi Ngô (Bắc Giang)...

Như vậy có thể thấy, xung quanh phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT của bộ vẫn còn quá nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều. Đó là chưa kể còn hàng loạt ý kiến khác về vấn đề này, trong đó có đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì những môn thi tốt nghiệp trùng các môn thi đại học, chỉ cách nhau 1 tháng. Hoặc cũng có ý kiến đề nghị để giảm áp lực cũng như giảm tiêu cực nên giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp và gắn trách nhiệm của hiệu trưởng vào nhiệm vụ này... Trong khi đó, 3 tháng để bộ lấy ý kiến về việc đổi mới này được đánh giá là quá vội vàng. Đó là điều mà Bộ GD-ĐT phải thận trọng để xem xét, quyết định, tránh việc vội vã đổi mới rồi vội vã điều chỉnh.

LÂM NGUYÊN

  • Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định TPHCM: Thầy cô và học sinh đều phấn khởi

Nghe tin Bộ GD-ĐT có dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có phương án quy định thi tốt nghiệp với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn, tất cả thầy cô giáo và học sinh lớp 12 đều phấn khởi, hy vọng chủ trương này sớm trở thành hiện thực. Trước đây, khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần có ý kiến phải cho chọn ban, phân ban từ lớp 10 để học sinh định hướng sở thích, chọn môn học theo sở trường, năng lực học tập. Thế nhưng, chủ trương phân ban thất bại vì lý do thi tốt nghiệp các em bị “ép buộc” phải thi hết các môn học, trong đó có nhiều môn học không sâu, không thuộc sở trường, năng lực. Cụ thể như học sinh thi khối D nhưng không thể xem nhẹ môn hóa nhưng nếu phải cố học, phải “gò” kiến thức môn này để đáp ứng thi cử thì các em đuối sức. Hoặc khi đưa môn sử, địa vào môn thi tốt nghiệp, học sinh chọn thi đại học các ngành khoa học tự nhiên cũng không thể học sâu, học kỹ được. Theo tôi, việc cải tiến thi tốt nghiệp THPT là việc Bộ GD-ĐT cần làm nhanh, làm gấp để học sinh cảm thấy bớt áp lực ôn tập, thi cử và đội ngũ thầy cô giáo dạy khối lớp 12 cũng bớt căng thẳng, nặng nề bởi 6 môn thi sẽ được công bố vào “giờ G” như đã làm nhiều năm qua. Đổi mới giáo dục nhằm mang lại những gì tốt nhất cho người học và việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp ngay từ năm 2014 sẽ giúp các em ôn tập tốt hơn, đánh giá lực học đúng hơn.

  • Thầy Nguyễn Duật Tu, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm TPHCM: Phải quyết định sớm để học sinh không bị ảnh hưởng về tâm lý

Thông tin về việc Bộ GD-ĐT đang có dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT được dư luận, nhất là học sinh lớp 12, quan tâm, nóng lòng chờ đợi. Vì thế, nếu chọn phương án nào thì Bộ GD-ĐT phải quyết ngay, không nên đắn đo rồi chậm trễ vì thời gian cận kề ngày thi tốt nghiệp sắp đến, nếu tính “giờ G” công bố 6 môn thi như đã làm chỉ còn có 3 tháng nữa. Một khi đã nghe thông tin điều chỉnh môn thi thì đa phần các em có tâm lý chờ đợi, nếu thấy chậm thì sẽ băn khoăn hoặc đoán mò, ảnh hưởng đến việc học tập, ôn tập. Theo tôi, chủ trương đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT của bộ đưa ra hay, cởi mở, tạo sự phấn khởi cho học sinh lẫn giáo viên. Tôi chọn phương án 1 quy định 2 môn bắt buộc (văn, toán) và 2 môn tự chọn. Khi đã xác định được môn thi chính xác, học sinh yên tâm học, ôn tập sâu hơn. Về dự kiến xét miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh có học lực khá giỏi cũng nên làm vì nó sẽ kích thích tinh thần học tập, phấn đấu của các em. Một khi bộ đã có quyết định giao quyền cho các trường làm việc này thì phải tin tưởng, có hậu kiểm và ai sai sẽ xử lý nghiêm.

KHÁNH BÌNH ghi

>> Năm 2014, thay đổi lớn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Tin cùng chuyên mục