30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội
Thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo con đường XHCN với định hướng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa…
Đổi mới mô hình và phương thức quản lý phát triển xã hội
Được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao thực hiện công trình tổng kết lý luận, thực tiễn 30 năm đổi mới, nhóm nghiên cứu Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong cả nước tiến hành thu thập, đánh giá tài liệu và tập trung nghiên cứu vào 10 vấn đề lớn vừa mang tính tổng kết những thành tựu của công cuộc đổi mới từ Đại hội VI đến Đại hội XI, vừa đặt ra những vấn đề mới của đất nước ta trong 20, 30 năm tiếp theo. Trong đó, theo TS Lê Minh Nghĩa, hướng nghiên cứu đã làm rõ mô hình xã hội nước ta với những biến đổi xã hội, cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội trong điều kiện tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tích cực hội nhập quốc tế.
Đó là, trong xã hội với những quan hệ của nền kinh tế thị trường đề cao tính cạnh tranh của lợi ích vật chất, đồng tiền được coi trọng, làm giàu theo đúng pháp luật, bằng sức lao động được thừa nhận, khuyến khích. Những ai có điều kiện, tận dụng được cơ hội này sẽ thành đạt và trở nên giàu có, họ thuộc về nhóm xã hội vượt trội, tiêu biểu là các doanh nhân, các trí thức khoa học - công nghệ. Thế nhưng, xã hội biến đổi theo sự biến đổi của cơ cấu kinh tế, trong xã hội xuất hiện những đối tượng yếu thế, rủi ro, thua thiệt trong phát triển, mà chủ yếu là cư dân ở nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, có mức chênh lệch đời sống quá xa so với các đô thị. Kinh tế thị trường ngoài mặt tích cực tạo nên một nền kinh tế năng động và tăng trưởng, dẫn đến phồn vinh, đề cao trách nhiệm cá nhân, phát triển nhu cầu dân chủ…, nhưng cũng có mặt tiêu cực là gây ra những hệ lụy xã hội, những tệ nạn. Chính vì vậy, sự quản lý xã hội yếu kém sẽ làm gay gắt thêm những hệ lụy đó, những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng gay gắt hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI
Từ những đúc kết, nhận định trong quá trình nghiên cứu thực tiễn nêu trên, TS Lê Minh Nghĩa cùng nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra những luận điểm rất mới trong mô hình và phương thức quản lý phát triển xã hội khi đất nước ta tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trước tiên là mô hình xã hội với những đặc trưng của phát triển hội nhập. Theo đó, xã hội phát triển toàn diện, cân đối, hài hòa các lĩnh vực, đoàn kết, đồng thuận, bảo đảm lợi ích và quyền làm chủ của người dân; môi trường xã hội hòa bình, ổn định, bảo đảm an sinh - an ninh - an toàn cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Xu thế của xã hội này lấy ổn định chính trị, xã hội tích cực làm tiền đề và điều kiện, lấy đổi mới làm phương thức và lấy phát triển làm mục đích. Đó là xã hội phát triển theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ và làm chủ. Mô hình xã hội Việt Nam được xây dựng trong đổi mới, hội nhập quốc tế theo triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một xã hội đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ, một cộng đồng dân tộc trở nên thông thái, một xã hội văn hóa cao, thực hiện được các giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế và chính trị
Đó là mục tiêu và yêu cầu được thể hiện khá rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và trong tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới. Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong 30 năm qua chúng ta tập trung vào đổi mới về kinh tế, thì đến nay vấn đề đổi mới chính trị phải được đặt ra trong Đại hội Đảng lần thứ XII. Mặc dù những năm qua, cùng với đổi mới kinh tế, chúng ta cũng đã từng bước đổi mới về chính trị, song chưa đi vào chiều sâu, trên quy mô rộng lớn. Đổi mới về chính trị lần này Đảng ta chủ trương đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, phù hợp kinh tế và chính trị. GS-TS Hoàng Chí Bảo nói: “Nhờ nỗ lực đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong 30 năm qua mà chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu còn có thể to lớn hơn nữa, đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn nữa nếu chúng ta nhận thức đầy đủ, thấu đáo và giải quyết tốt hơn cả về lý luận lẫn thực tiễn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, theo đúng yêu cầu đổi mới đồng bộ, phù hợp hai lĩnh vực trọng yếu này của đời sống xã hội. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng và đòi hỏi bức thiết hiện nay đang đặt ra đối với Đảng và nhân dân ta”.
Sự hạn chế trong quá trình đổi mới chính trị thiếu đồng bộ với đổi mới kinh tế làm giảm sự phát triển của đất nước ta những năm qua được thể hiện khá rõ trong đánh giá của Đảng ta ở các văn kiện: “Một nhược điểm, hạn chế trong đổi mới chính trị ở nước ta thời gian qua là chưa xác định thật tường minh về đổi mới chính trị, thường giới hạn và đồng nhất đổi mới chính trị với đổi mới hệ thống chính trị. Đó cũng là thiếu đồng bộ trong đổi mới chính trị, bởi ngoài hệ thống chính trị ra, chính trị còn có nhiều yếu tố, bộ phận khác nữa, cấu thành chính trị như một hệ thống, tương quan với hệ thống kinh tế và xã hội”.
Đó là luận điểm rất mới mà Đảng ta chỉ ra, nói rõ nhận thức từ lý luận chưa được nghiên cứu thấu đáo về đổi mới chính trị, với những điểm có tính đột phá về thể chế, thiết chế (tổ chức bộ máy), chính sách, cơ chế và nguồn lực phát triển của chính trị. Trong nhiệm kỳ tới và cả trong những thập niên tới, khi tiến hành đổi mới đồng bộ giữa chính trị và kinh tế, chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề này mới làm cho đổi mới chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực và năng lực kinh tế quốc gia.
Các vấn đề về sự biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội; vai trò của đội ngũ doanh nhân và các nhóm xã hội… cũng được nhóm nghiên cứu Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu khá sâu và đưa ra những đánh giá, dự báo và tác động trong quá trình đất nước ta tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Trong đó, điều mà các nhà nghiên cứu đề nghị tiếp tục làm rõ là tác động biện chứng của “Cái kinh tế” và “Cái xã hội” trong phát triển, thông qua tác nhân chính trị và thể chế chính trị. Từ đó sẽ làm rõ được sự biến đổi của cơ cấu kinh tế, sự hình thành cơ cấu xã hội mới dưới tác động của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, dân chủ hóa và nhà nước pháp quyền.
HOÀI NAM