Buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tại một trường mẫu giáo có tiếng nằm ngay trung tâm TPHCM, ngoài nội dung bàn luận về các khoản thu, phụ huynh còn có bận tâm khác. Câu chuyện mở đầu bằng phát biểu của chị M., phụ huynh có con đang học lớp Lá 3. “Thưa cô, năm sau các cháu sẽ lên lớp 1, ngoài việc mua các loại vở tô màu như các năm trước, phụ huynh chúng tôi có cần mua thêm vở rèn chữ cho con luyện tập ở nhà?”. Tiếng xì xào bàn tán bắt đầu rôm rả. Hàng chục cặp mắt lo lắng đổ dồn về phía ban giám hiệu.
Nhưng đáp lại băn khoăn đó, cô hiệu phó chỉ trả lời rất ậm ừ: “Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường không dạy trẻ viết chữ trước khi vào lớp 1. Phụ huynh tùy vào điều kiện thực tế có thể quyết định rèn chữ cho con hay không”. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, việc rèn chữ cho học sinh lớp lá là không nên nhưng xét ở “điều kiện thực tế”, phụ huynh sẽ tự có sự cân nhắc?
Dạo một vòng quanh các hệ thống nhà sách lớn như Fahasa, Phương Nam… có thể thấy chiếm diện tích khá lớn trên các kệ sách dành cho lứa tuổi mẫu giáo là các loại vở rèn chữ, dạy bé làm quen với chữ cái.
Trong vai phụ huynh đang tìm mua sách học thêm cho con, chúng tôi được nhân viên nhà sách Nguyễn Văn Cừ, chi nhánh trên đường An Dương Vương (quận 5), giới thiệu: “Hiện nay, đơn vị phát hành các đầu sách học chữ cho bé mẫu giáo nhiều nhất là Nhà xuất bản Thanh Niên. Ngoài các cuốn “Bé tập viết chữ đẹp” dùng cho bé 3 - 4 tuổi còn có cuốn “Vở tập viết chữ hoa” hay “Luyện viết chữ đẹp” dành cho lứa tuổi lớn hơn, từ 4 - 5 tuổi”.
Điều đáng nói là hầu hết các ấn phẩm này đều được in thêm dòng chữ “Sách soạn theo chương trình cải cách mới nhất của Bộ GD-ĐT”. Giá thành một cuốn chưa đến 15.000 đồng, nội dung biên soạn bên trong bao gồm cả phần hình ảnh minh họa bằng nhiều màu sắc rất bắt mắt lẫn phần luyện tập chữ viết trên nền dòng kẻ có ô ly. Bởi thế nên chẳng lạ khi có phụ huynh hồn nhiên bày tỏ: Bỏ ra mười mấy ngàn đồng mua một quyển vở hơn 50 trang, vừa có thể cho con học chữ vừa có thể tô màu, không tốt bề dọc cũng bổ bề ngang.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc cho các bé làm quen quá sớm với chữ viết, nhất là khi chưa có sự hướng dẫn cách cầm viết, tư thế ngồi viết đúng đắn từ phía giáo viên sẽ tạo cho các em những thói quen xấu, lên các bậc học lớn hơn rất khó sửa đổi. Đó là chưa kể khoảng cách ô ly trong nhiều ấn phẩm hiện nay còn quá nhỏ, mực in không đồng đều sẽ gây tác hại xấu đến thị giác của các em. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, các trường mẫu giáo chỉ cho học sinh làm quen với chữ cái thông qua hình thức tập tô chữ trên nền bảng đen hoặc giấy trắng không có ô ly.
Mục tiêu của việc cầm bút là giúp học sinh làm quen với các nét viết cơ bản như nét hất, nét ngang, nét tung, nét sổ. Còn việc luyện tập chữ viết trên nền vở có ô ly, tập viết chữ in hoa là hoàn toàn “vượt cấp” so với yêu cầu ở độ tuổi các em. Song đáng tiếc là quy định một đằng, thực tế sách tham khảo hướng một nẻo. Ngoài ra, thực tế này còn được tiếp tay bởi sự thiếu cương quyết trong việc nói “không” với thói quen dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 ở trường mẫu giáo.
Qua đó cho thấy một chủ trương dù đúng nhưng khi đi vào thực tế, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan quản lý, vẫn có nguy cơ chỉ nằm trên giấy. Đó là chưa kể từ đây sẽ tạo ra kẽ hở về trình độ chênh lệch giữa học sinh các trường, góp phần cổ vũ cho tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Cần khẳng định vấn đề đổi mới giáo dục cần được bắt nguồn từ việc quán triệt các chủ trương, quyết sách riêng lẻ ở từng bậc học, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” gây thiệt đơn thiệt kép cho học sinh.
NGUYỄN QUÂN