Bước sang năm học mới 2012-2013 với nhiều khó khăn và thử thách do có nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng và triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Trước những đòi hỏi rất cấp bách để đổi mới việc dạy và học, rất cần những nhà quản lý giáo dục vạch ra những chiến lược cụ thể để góp phần đưa nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển và đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Chuyên trang “Giáo dục-đào tạo & Hướng nghiệp” Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Trình – Hiệu Trưởng trường TC KT&NV Nam Sài Gòn (ảnh bên) về vấn đề trên.
Mọi quốc gia đều coi giáo dục (GD) là nhân tố đặc biệt quan trọng, là động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), liên quan mật thiết đến sự tồn vong và phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, hầu hết các nước phát triển hoặc đang phát triển, kể cả một số nước chậm phát triển đều xem GD là “quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển”.
Bước sang thế kỷ XXI, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thông tin, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, tạo nên những biến đổi sâu sắc có tính cách mạng trong sản xuất cũng như trong đời sống XH. Diễn tiến của nền kinh tế toàn cầu thể hiện một cuộc chạy đua gay gắt: các nước phát triển đang nỗ lực chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới về kinh tế, các nước đang phát triển thì phấn đấu để khỏi tụt hậu. Do vậy, tất yếu phải nảy sinh nhu cầu đổi mới quản lý GD nói chung và quản lý nhà trường nói riêng. Tiêu biểu là Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn.
Về mục tiêu giáo dục
UNESCO đã tổng kết 4 mục tiêu của GD: Học để biết – Học để làm – Học để làm người – Học để cùng chung sống. Nhằm thực hiện mục tiêu GD trên, nhà trường đã đổi mới tổ chức và hoạt động như sau:
1. Thực hiện mục tiêu “HỌC ĐỂ BIẾT”: Trường đã thành lập ngân hàng đề thi các ngành đào tạo (do các khoa thực hiện và gửi về Phòng Đào tạo và Khảo thí tổng hợp). Công khai toàn bộ các câu hỏi trong ngân hàng đề thi để người học có thể chủ động nghiên cứu và nắm vững hệ thống kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, trường yêu cầu GV thống nhất giáo trình điện tử bộ môn, giúp người học tiếp cận các thông tin chuyên ngành trên mạng Internet và các sách, tài liệu của thư viện điện tử. Việc thống kê số lượng người học truy cập mạng, đọc và tham khảo tài liệu hàng tháng tại thư viện là thông tin khá chính xác về tiến trình đổi mới phương pháp dạy học của các Khoa và giáo viên.
2. Thực hiện mục tiêu “HỌC ĐỂ LÀM”: Trường đã thành lập Phòng Nghiên cứu – Phát triển với chức năng tư vấn và giới thiệu việc làm cho người học và nhân dân, gắn kết với các tổ chức sử dụng lao động nhằm tạo điều kiện cho người học thực tập chuyên sâu tại môi trường sản xuất – dịch vụ, nghiên cứu thị trường lao động theo nhu cầu XH để đề xuất trường đào tạo các ngành mới theo nhu cầu của xã hội, tổ chức và định hướng hoạt dộng hội cựu học sinh nhằm tiếp cận và đánh giá chất lượng đầu ra, nhu cầu hậu đào tạo.
3. Thực hiện mục tiêu “HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI”: Đề ra nội qui và các tiêu chí xây dựng “Văn hóa tổ chức” nhằm hình thành thái độ làm việc và học tập đúng đắn, lễ phép và khiêm tốn trong giao tiếp, tuân thủ nguyên tắc tổ chức, làm việc theo hệ thống quản lý dọc và phối hợp chặt chẽ theo hệ thống quản lý ngang. Việc trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) nâng cao chất lượng nghiệp vụ qua đào tạo và bồi dưỡng đã nâng tầm nhận thức, ý thức trách nhiệm, bước đầu tạo được sự đồng thuận trong việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng công việc của từng bộ phận, từng lĩnh vực.
Nhằm “xã hội hóa” nhân cách của người học, phương pháp tiếp cận thực tế là hữu hiệu nhất, như tổ chức kiến tập, thực tập, tham quan, từ thiện tại các trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi…, lao động công ích qua các hoạt động phong trào “Hoa phượng đỏ”, “Mùa hè xanh”…
4. Thực hiện mục tiêu “HỌC ĐỂ CÙNG CHUNG SỐNG”: Trường đã thành lập Khoa Phát triển cộng đồng với nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng sống cho đội ngũ CB, GV, NV và người học (vào ngày thứ năm hàng tuần), xây dựng thái độ văn hóa, thích nghi, hòa nhập cộng đồng và làm việc nhóm với 3 giá trị dành cho CB, GV, NV: NĂNG ĐỘNG – SÁNG TẠO – GẮN KẾT và 3 giá trị dành cho người học: NHẠY BÉN – SẴN SÀNG – GẮNG SỨC. Trường cũng tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ tham vấn tâm lý học đường cho toàn bộ GV chủ nhiệm, nhân viên quản sinh và các sinh hoạt viên nhằm giúp người học giải quyết những bức xúc về tâm lý, khó khăn trong tình cảm và công việc…
Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu và phát triển năng khiếu của người học, trường thành lập các câu lạc bộ ngoại khóa như câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, CLB Võ thuật Vovinam, CLB Thiết kế thời trang, CLB Dã ngoại… hoạt động với tính chất “Trường tạo điều kiện, thành viên CLB chủ động”. Để thực tập và đánh giá kết quả rèn luyện của CB, GV, NV và HS, trường tổ chức các đợt kiểm tra qua hội trại định kỳ, xây dựng sân chơi hoạt động Nhóm (Team building). Các hoạt động này đã được sự đồng tình ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh cũng như chính quyền, đoàn thể địa phương.
Nhìn chung, tất cả các chủ trương thực hiện 4 mục tiêu giáo dục chỉ là những giải pháp ban đầu nhằm xây dựng nhân cách toàn diện cho CB, GV, NV và người học. Những kết quả cũng khá khả quan được đánh giá như sau:
+ Mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường và giữa thầy và trò ngày càng gắn kết, thông cảm và tôn trọng nhau hơn.
+ Không xảy ra tình trạng mâu thuẫn dẫn đến xung đột trong lực lượng người học.
+ Bước đầu hình thành mối quan hệ khắng khít giữa nhà trường và các tổ chức sử dụng lao động: Biết dựa vào nhau để phát triển.
+ Nguyên lý GD: “Học đi đôi với hành”, “Nhà trường kết hợp gia đình và xã hội” được cụ thể hóa nên đã nâng tầm nhận thức của đội ngũ GV và người học.
+ Công tác tuyển sinh hàng năm đáp ứng chỉ tiêu ngày càng khả quan và thuận lợi hơn.
+ Chất lượng đầu ra bước đầu được một số tổ chức sử dụng lao động thừa nhận.
+ Người học ngày càng hài lòng về khả năng của nhà trường định hướng, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập.
Về đổi mới triết lý GD
Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang làm cho kiến thức và kỹ năng người lao động (NLĐ) bị nhanh chóng hao mòn; mặt khác cũng làm nhiều ngành nghề mới xuất hiện, nghề cũ mất đi. Trong bối cảnh đó, nghề nghiệp sẽ không gắn kết với “số phận” của NLĐ suốt đời. Bản thân NLĐ cần được bồi dưỡng thường xuyên hoặc đào tạo lại để thích ứng với sự thay đổi công nghệ hoặc có thể đổi nghề. Như vậy, học thường xuyên, học suốt đời đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với mỗi người đồng thời cũng là yêu cầu của XH đối với NLĐ.
Do đó, nhà trường phải thay đổi triết lý giáo dục từ GD dành cho số ít người trong một giai đoạn của cuộc đời sang GD cho số đông, cho mọi người để xây dựng một xã hội học tập (XHHT).
Một XHHT là một XH mà mọi lứa tuổi, mọi loại hình lao động đều học, học một cách tự nguyện, học thường xuyên, học suốt đời, học bằng nhiều hình thức để có thể lao động và sống trong một XH đang không ngừng biến đổi dưới tác động của tiến bộ KH-CN, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; làm tiền đề cho việc bước sang một XH kinh tế tri thức.
Thạc sĩ Trần Ngọc Trình – Hiệu trưởng Trường TC KT&NV Nam Sài Gòn
>> Xem tiếp phần 2 bài viết này số báo ra ngày 9-10-2012