Trường Đại học Văn Hiến tại TPHCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học về phương pháp giảng dạy môn “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin” cho sinh viên ĐH- CĐ đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
Từ thực tiễn làm công tác quản lý và giảng dạy trong những năm qua, cho thấy việc giảng dạy môn học “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin” ở các trường ĐH-CĐ đã có sự thích nghi với chương trình mới, trong đó có sự đổi mới và cố gắng rất nhiều của công tác quản lý và cán bộ giảng dạy, đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: Thời gian giảng dạy còn quá ít đối với chương trình hiện tại; giảng viên sử dụng phương pháp thuyết trình, giảng giải nội dung theo giáo trình sẵn có; việc ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại còn hạn chế, thậm chí không ít trường hợp đã lạm dụng công nghệ thông tin (chủ yếu là trình chiếu) không hiệu quả, đã biến “đọc chép” thành “chiếu chép”; sự nghiên cứu kinh điển, tài liệu tham khảo, vận dụng thực tiễn còn hạn chế khiến bài giảng trở nên khô cứng, thiếu tính thuyết phục; chưa quan tâm đúng mức để đấu tranh chống các quan điểm sai trái...
Giảng viên khuyến khích sinh viên tự học, thảo luận nhóm.
Từ thực trạng trên, để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy môn học “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin”, theo tôi, cần quan tâm một số vấn đề phương pháp giảng dạy và những yếu tố có liên quan như sau: Kết hợp nhiều phương pháp, trên cơ sở phương pháp truyền thống, từng bước áp dụng các phương pháp dạy học tích hợp nhằm phát huy tư duy sáng tạo của người học. Các phương pháp dạy học hiện đại phải lấy người học làm trung tâm, họ phải tự tìm đến tri thức mới với sự hướng dẫn của người dạy.
Trong dạy và học thì phương pháp thuyết trình vẫn là phương pháp cơ bản, sử dụng thường xuyên, phổ biến nhất. Phương pháp này có lợi thế chuyển tải được nhiều thông tin, thể hiện được sự tâm huyết, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của người thầy, giúp bài giảng trở nên “có hồn” mang tính thuyết phục nhiều hơn. Phát huy lợi thế này, giảng viên cần tránh sự đơn điệu chỉ thông tin một chiều, phải biết thông tin đa chiều, kể cả thông tin trái chiều để làm rõ quan điểm chính thống. Có như vậy, bài giảng mới có chiều sâu và bắt buộc sinh viên phải nghiên cứu giáo trình và các tài liệu tham khảo để củng cố, hệ thống kiến thức. Việc sử dụng phương pháp thuyết trình cũng phải được cải tiến để khắc phục tình trạng “độc thoại”, “đọc - chép” của giảng viên làm cho sinh viên hoàn toàn thụ động, ghi chép một chiều. Muốn vậy cần phải kết hợp với các phương pháp khác như: dạy học nêu vấn đề; thảo luận nhóm; với những nội dung cụ thể giảng viên có thể tổ chức cho các nhóm sinh viên và phương pháp “trò chơi” sẽ tạo được sự hứng thú cho sinh viên và có tác dụng tích cực…
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Không thể thực hiện được bất cứ phương pháp dạy học nào nếu người dạy không nắm vững nội dung môn học. Trong thực tế nhiều giảng viên có kinh nghiệm, khi giảng dạy hoàn toàn “thoát ly giáo án” thể hiện sự vững vàng, làm chủ nội dung bài giảng của mình. Điều quan trọng khác là phải thường xuyên bồi dưỡng động cơ thái độ học tập và phương pháp học tập nghiên cứu của sinh viên. Để thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, trước hết sinh viên cần phải có động cơ thái độ học tập đúng đắn, khắc phục tình trạng học tập mang tính đối phó, chủ yếu tập trung vào các kỳ thi, kiểm tra, thụ động học thuộc đề cương có sẵn chứ không phải do mình nghiên cứu soạn ra.
Đại tá, Th.S TRẦN NHƯ TIẾN
(Nguyên Chủ nhiệm Khoa KHXH - NV Trường Đại học Trần Đại Nghĩa)
MINH YẾN (ghi)