Ngày 29-1, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 20 đã bế mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Với chủ đề “Chủ nghĩa Liên châu Phi và Phục hưng châu Phi”, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề nổi bật mà châu lục này đang phải đối mặt, tìm cách thức giải quyết các cuộc khủng hoảng để mở lối thoát cho một châu Phi giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo đói.
Xung đột chính trị, bóc lột tài nguyên
Châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và hầu như không có loại tài nguyên nào là không được phát hiện. Đáng tiếc, khi những vỉa tài nguyên, yếu tố quan trọng trong công nghiệp hóa, đang được các nước giàu khám phá và khai thác thì người dân ở châu lục này vẫn đói nghèo vì các cuộc chiến tranh giành tài nguyên và khoáng sản. Các cuộc xung đột tại châu Phi thực chất là chính sách kiểm soát các nguồn tài nguyên của các nước phương Tây. Cùng với sự can thiệp quân sự tại Mali của Pháp hiện nay là khả năng “Afghanistan hóa” khu vực Sahel, rồi cuộc xung đột qua biên giới có thể diễn ra sau đó. Algeria trong tương lai có thể trở thành “Pakistan của châu Phi”…
Trong khi đó, giữa phương Tây và chính phủ các nước châu Phi hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều bất đồng công khai liên quan đến cải cách quản lý như một điều kiện tiên quyết cho việc đầu tư, đặc biệt khi các nước phương Tây phải quay về “chữa trị” các nền kinh tế đang lao đao của họ. Không những thế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết người châu Phi di cư trên khắp thế giới đang phải trả một khoản chi phí cao hơn cả để gửi những đồng tiền mà họ kiếm được về quê nhà. Trong năm 2012, người châu Phi đã gửi gần 60 tỷ USD kiều hối về nước. Tuy nhiên, chi phí chuyển tiền mà họ và gia đình phải chịu lên tới 4 tỷ USD, cao hơn mức phí của tất cả các nhóm người khác. Mức phí chuyển tiền cao hiện nay đang “ăn” vào đường sống của hàng triệu người châu Phi, ảnh hưởng rất lớn tới công cuộc xóa đói giảm nghèo ở đây.
Thách thức
Theo dự báo của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), trong năm 2013, châu Phi có thể vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế đã đạt được trong suốt thập kỷ qua, với mức trung bình không dưới 5%. Tuy nhiên, châu Phi sẽ phải đối mặt những thách thức to lớn có nguy cơ tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển kinh tế của châu lục này nếu không được giải quyết hợp lý.
Đó là tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và các nước vùng Vịnh. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã bày tỏ lo ngại về tính không bền vững trong quan hệ thương mại với Trung Quốc khi kim ngạch trao đổi thương mại với Trung Quốc đã tăng từ mức 9 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ USD trong năm 2011 và vượt 200 tỷ USD trong năm 2012. Trong khi đó, thương mại của châu Phi với các nước vùng vịnh Persic, tập trung chủ yếu vào lương thực và tiếp cận đất canh tác, đã tăng từ 10 tỷ USD năm 2002 lên 49 tỷ USD trong năm 2011, song việc các nước vùng Vịnh đặt trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề do cuộc chạy đua “chiếm đất” châu Phi bị đánh giá là thiếu bền vững.
So với các châu lục khác, châu Phi có tỷ lệ cao nhất về dân số trẻ và với tài nguyên giàu có như vậy, châu Phi cần có bước chuyển dịch kinh tế hợp lý để giúp tạo dựng sự công bằng kinh tế, điều quan trọng để giúp châu lục này duy trì hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu không có hòa bình và an ninh, không quốc gia hay khu vực nào có thể hy vọng đạt được sự thịnh vượng, như Chủ tịch ủy ban AU Nkosazana Dlamini - Zuma nhấn mạnh.
Hạnh Chi (tổng hợp)