Brexit vẫn là nỗi quan ngại lớn nhất của các công ty Anh và công ty đa quốc gia đang hoạt động tại nước này. Các doanh nghiệp chỉ còn ít tháng để đưa ra các quyết định đầu tư trong tương lai, vì vậy họ rất mong chờ thông tin rõ ràng về việc Brexit sẽ diễn ra như thế nào.
Thủ tướng Theresa May đã khởi xướng kế hoạch trên 7 tháng sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, trong đó áp dụng cách tiếp cận can dự vào hoạt động kinh doanh. Bốn lĩnh vực mà chính phủ hướng tới gồm: khoa học đời sống, xây dựng, trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp ô tô. Cách đây vài ngày, bà May thông báo chi 4 tỷ bảng Anh (5,28 tỷ USD) cho chiến lược nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng theo khu vực nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Brexit, trong đó dành 1,7 tỷ bảng để chấn hưng các thành phố và 2,3 tỷ bảng để thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 2021-2022.
Vấn đề then chốt mà kế hoạch trên cần giải quyết là nâng cao năng lực sản xuất đang ở mức thấp của nước Anh, vốn được coi là lực cản chính đối với tiến trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch chi tiêu mới này liên kết chặt chẽ với Chiến lược Công nghiệp của Anh, nhằm đào tạo ra một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao. Trước sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, nước Anh đang tìm kiếm một vai trò mới, như một quốc gia tiên phong trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí thông minh nhân tạo và xe tự lái, sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3-2019.
Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark cho biết, Anh có các trường đại học và viện nghiên cứu nằm trong số những trường tốt nhất thế giới, cũng như các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất bằng phương pháp tiên tiến, đến dịch vụ tài chính, khoa học phục vụ đời sống và các ngành công nghiệp sáng tạo. Theo ông, bất cứ chiến lược nghiêm túc nào cũng cần tập trung giải quyết các điểm yếu ngăn cản nước này phát triển tiềm năng và tăng cường sức mạnh.
Trước đó, các cơ quan dự báo ngân sách của Anh đã phải giảm dự báo tăng trưởng trong 5 năm tới, chủ yếu vì giảm sản lượng, yếu tố được coi như gót chân Achilles của nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 ở mức 1,7% và 1,5%, đứng gần cuối bảng trong các nước thuộc EU. Báo cáo đánh giá của Ủy ban đánh giá kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách chung tại London, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn không đáng lo ngại bằng sự đi xuống của nền kinh tế trong dài hạn. Mặc dù có những lợi thế như tỷ giá linh hoạt mềm dẻo, chính sách tài khóa và tiền tệ tự chủ, sự hồi phục của nền kinh tế Anh vẫn rất yếu ớt. Thu nhập sau thuế thực của hộ gia đình loại trung bình ở Anh chỉ tăng có 5% so với năm 2007. Trong khi đó, mức lương thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2007-2016 ở Đức tăng 10,6% và trung bình ở các nước Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) là 6,4%, nhưng ở Anh thì lại bị giảm 2,5%, chỉ cao hơn các nước Hy Lạp, Mexico và Bồ Đào Nha...