Đời sống xã hội sau đại dịch Covid-19

LTS: TPHCM và cả nước đang chuyển hướng sang “sống chung với Covid-19”. Viễn tượng xã hội cho một thực tại con người sống chung với dịch bệnh là điều không ai mong muốn.

Nhưng SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong cộng đồng, buộc chúng ta phải thích ứng với kỷ nguyên Covid (Covid Era) - một thời kỳ mới mà ở đó con người sẽ phải đối diện những cảnh huống khác nhau, vốn là những vấn đề chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm. 

Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta sẽ sống như thế nào trong kỷ nguyên mới này? TPHCM bước sang một viễn tượng mới ra sao để thành phố thực sự là nơi an toàn, có chất lượng sống tốt và hồi sinh phần nào những năng lực vốn có của thành phố trước khi đại dịch diễn ra? Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, xung quanh vấn đề này.

Tái thiết đời sống xã hội

Đối diện với Covid-19 - thuộc tốp 10 dịch bệnh gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, sau khi kiểm soát dịch, dần dần từng địa phương sẽ mở cửa, chấp nhận sống chung với virus có kiểm soát giống như nhiều dịch bệnh trước đây. Nhưng nhu cầu trợ giúp y tế, an sinh, việc làm, tinh thần… hậu đại dịch cũng quan trọng không kém vì kịch bản kinh tế hồi phục không thể một sớm một chiều.

Chương trình “Hạt gạo nghĩa tình” do Báo SGGP tổ chức phối hợp cùng quận Bình Thạnh gửi tặng bà con khó khăn và người già neo đơn trên địa bàn quận. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã bộc lộ rất nhiều vấn đề xã hội cũng như quy trình ứng phó với rủi ro của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và cá nhân mỗi người. Vì vậy, TPHCM và các tỉnh, thành cần có các phương án tái thiết đời sống xã hội, đảm bảo an dân - mà hạt nhân là từng cộng đồng từ tổ dân phố. Chính sách phải nhất quán và cân bằng giữa các biện pháp dịch tễ - an sinh xã hội - sinh kế, sản xuất. Khuyến khích người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất theo hướng giảm nguy cơ rủi ro và hợp lý hơn. Khuyến khích các thành phần xã hội cùng tham gia vào hoạt động cứu trợ khẩn cấp và tái thiết xã hội.

Các địa phương cần nhanh chóng triển khai tái thiết hạ tầng dịch vụ đô thị phục vụ đời sống dân sinh, đảm bảo phát huy năng lực thích ứng của cộng đồng trước tình hình dịch bệnh. Tái thiết hạ tầng y tế dự phòng, cơ sở chữa trị, các hình thức tổ chức xã hội phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”. Hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại… cần nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng thích ứng với dịch bệnh. Việc thiết kế, tổ chức hoạt động ở các khu dân cư, chung cư, cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, các khu chợ cộng đồng, siêu thị, trường học… cũng cần thay đổi theo hướng tăng giãn cách nhằm chống lại virus gây bệnh.

Quan tâm người lao động yếu thế

Từ trong đại dịch cho thấy, công tác an sinh hiện nay còn rất thiếu dữ liệu về lao động phi chính thức, di cư, trong khi đó lao động mất việc, lao động phi chính thức đột ngột tăng lên sau 2 năm dịch bệnh. Nhóm lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị hiện nay, thu nhập thấp (khoảng 5 triệu đồng/người/tháng), ở chật chội không có khái niệm giãn cách. Một ước tính dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong điều kiện bình thường, trung bình hộ nghèo chỉ có thể tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng/năm. Số tiền này “ăn nhắt hà tiện” được nhiều nhất trong 2-3 tháng và cũng đã sử dụng hết qua 3 đợt dịch trước đó. Điều kiện sống chật chội, thiếu đói ở dưới ngưỡng sinh tồn đã khiến nhiều người không đủ khả năng tuân thủ giãn cách, không ít người đành quay trở về bản quán... 

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng người di cư vẫn có đóng góp cho đô thị, đồng thời tiết kiệm gửi về quê. Kết quả điều tra di cư quốc gia gần đây cho thấy, có trên 30% người di cư gửi tiền về quê với mức trung bình 27,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.100 USD); tổng số người di cư trong cả nước là 14 triệu và có khoảng gần 5 triệu người gửi mức trung bình thì tổng số tiền vào khoảng 5-6 tỷ USD/năm. Do vậy, TPHCM và các đô thị cần có chính sách hỗ trợ người di cư vì họ đã có đóng góp vào xây dựng thành phố, gửi tiền về quê phát triển các tỉnh. Đảm bảo ngưỡng an sinh tối thiểu cho họ chính là đảm bảo nguồn lao động cho thành phố sau đại dịch.

Qua cú sốc đại dịch này, đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại cả hệ thống chính sách cho người di cư, mà trước hết chính sách ở các đô thị cần được điều chỉnh sớm. Người nhập cư phải được hưởng các quyền lợi an sinh ở đô thị thì họ mới yên tâm làm việc, đóng góp một cách hiệu quả, bền vững. Nếu không thay đổi thì sẽ chỉ thiệt thòi cho cả hai bên, mà thành phố sẽ thấy nhãn tiền là thiếu nguồn lực lao động trầm trọng sau đại dịch và phải tìm mọi cách đưa người di cư trở lại thành phố. 

Lượng lao động phi chính thức, lao động di cư chiếm tỷ lệ rất lớn trong các đô thị - riêng TPHCM có lao động phi chính thức chiếm khoảng 40-50% lực lượng lao động; cần có hình thức hỗ trợ riêng vì đây là nhóm dễ tổn thương nhất, hầu như không có “lưới an sinh” bao phủ từ trước đại dịch. Nếu hỗ trợ bằng tiền mặt thì nên chuyển thẻ tài khoản; về lâu dài, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã số an sinh đối với người di cư. Cấp tiền qua thẻ cũng sẽ giúp tránh một người nhận hai lần như một số nơi tại TPHCM đang gặp phải khi triển khai hỗ trợ đợt 3. Người di cư sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với các nhóm khác do phải thuê nhà trọ, việc làm bấp bênh. Vì thế, cần có kênh cho người di cư vay vốn với lãi suất thấp như Thái Lan đã làm. 

Nâng cao năng lực thích ứng

Trong đại dịch và hậu đại dịch, những công việc cần giải quyết: chăm sóc y tế, an sinh xã hội, kho vận… là khổng lồ. Nhà nước có thể đủ nguồn lực tài chính nhưng không thể trở thành một siêu tổ chức có đủ người đi chăm lo cho cả triệu người dân, lo hết được các vấn đề xã hội; mà chính xã hội luôn có các cơ chế tự điều chỉnh, hỗ trợ lẫn nhau với đại diện là mô hình các tổ cộng đồng có thể cùng nhau tương trợ. Đây là cách duy nhất để giảm tải áp lực cho cơ quan quản lý ở địa phương. Đây cũng là cơ hội để củng cố nội lực cộng đồng, tăng cường năng lực ứng phó với các biến cố có thể xảy đến trong tương lai.

Phát huy sức mạnh của cộng đồng, kết hợp với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, mới có thể giúp các nhóm gặp khó khăn và cả cộng đồng vượt qua giai đoạn lây nhiễm và cả hậu Covid-19. Vì thế, rất cần chính quyền tổ chức các hành lang pháp lý, kêu gọi và trở thành đầu mối hiệu triệu, kết nối các bên. Hiện nay, các địa phương đã có Tổ Covid-19 cộng đồng. Tổ này cần được tổ chức linh hoạt và bổ sung một số chức năng nhằm tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau. Việc truyền thông nội bộ trong khu phố là đặc biệt quan trọng, cần thu thập đủ số điện thoại từng ngõ hẻm, khu phố, nhà trọ và thành lập nhóm Zalo để cung cấp thông tin chính xác về việc hỗ trợ, các thông tin chính thức, giúp người dân nắm bắt một cách nhanh chóng và vững tâm. Cùng với đó, cần tổ chức mô hình trạm cứu tế cộng đồng, sử dụng nguồn lực từ ngân sách của Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội. 

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, để cộng đồng có thêm năng lực chống chịu trong bối cảnh đại dịch cũng như các cú sốc, biến cố bất định trong tương lai, cả chính quyền, các cộng đồng cư dân, từng cá nhân người dân đều cần phải nâng cao năng lực thích ứng. Cần khuyến khích các cơ chế phát huy nguồn lực của cộng đồng để chung sống lâu dài với những biến cố bất định. Vì hơn ai hết, chính cộng đồng luôn hiểu vấn đề của mình, có cách thức để cùng nhau ứng phó với các thách thức, từ lịch sử hàng ngàn năm nay.

Đại dịch khiến chúng ta nhìn lại toàn bộ hệ thống an sinh để từ đây có cơ hội làm tốt hơn: tổ chức dựa vào thiết chế cộng đồng, nắm bắt được từng hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người dân, cải thiện tương tác giữa người dân và chính quyền, số hóa một cách hệ thống cho cả nước, cấp mã số an sinh... Nếu bắt tay làm bài bản ngay từ bây giờ, có thể sau đại dịch, an sinh xã hội sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc. Đó cũng là một thước đo cho sự phát triển bền vững của TPHCM và cả nước.

Hỗ trợ tinh thần người dân

Đại dịch ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, gây những sang chấn tâm lý âm thầm vô hình, thường không được quan tâm, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Chính quyền cấp cơ sở nên cử các đại diện tổ dân phố, đoàn thể gửi tin nhắn vào nhóm Zalo của cư dân ở các tổ dân phố, khu chung cư, giải đáp thắc mắc trực tiếp. Đây là cơ hội để các chính quyền cơ sở gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như để người dân cùng tương tác, sẻ chia, giảm stress cho cả hai bên. Đồng thời, cần kêu gọi các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, trị liệu tâm lý thiết lập đường dây nóng tư vấn sức khỏe tinh thần cho người dân; khuyến khích các cơ sở tôn giáo có các hình thức chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tinh thần, đời sống tâm linh, nhất là đối với những gia đình có người mất trong đại dịch.

Tin cùng chuyên mục